I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Văn bản dưới đây thuyết minh về đối tượng nào? Hãy chỉ ra những nội dung thuyết minh có sử dụng miêu tả trong văn bản này.
Đi khắp Việt Nam, nơi đâu ta cũng gặp cây chuối thân mềm vươn lên như những trụ cột nhẵn bóng, toả ra vòm tán lá xanh mướt che rợp từ vườn tược đến núi rừng. Hầu như ở nông thôn, nhà nào cũng trồng cây chuối. Trò chơi có tính chất thể thao của trẻ em chúc đầu xuống đất cho cả thân mình tay chân vút thẳng lên trời được gọi là trò chơi “trồng cây chuối”. Chả là gốc chuối tròn như đầu người, lớn dần theo thời gian, có dễ chùm nằm dưới mặt đất. Cây chuối rất ưa nước nên người ta hay trồng bên ao hồ rất nhanh tươi tốt, còn ở rừng, bên những khe suối hay thung lũng, chuối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận. Chuối phát triển rất nhanh, chuối mẹ đẻ chuối con, chuối con đẻ chuối cháu, cứ phải gọi là “con đàn cháu lũ”.
Người phụ nữ nào mà chẳng liên quan đến cây chuối khi họ phải làm vườn, chăn nuôi, nội trợ và chợ búa, bởi cây chuối là thức ăn thực dụng từ thân đến lá, từ gốc đến hoa quả! Có lẽ trong các loài cây, thì cây chuối mang sẵn trong nó nhiều nhất các món ăn truyền lại của tổ tiên người Việt – Mường tự xa xưa cho tới ngày nay.
Quả chuối là một món ăn ngon, ai mà chẳng biết. Nào chuối hương, chuối ngự, nào chuối sứ, chuối mường, loại chuối nào khi quả đã chín cũng đều cho ta vị ngọt ngào và hương thơm hấp dẫn. Có một loại chuối được người ta rất chuộng, đấy là chuối trứng cuốc – không phải là quả tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc. Mỗi cây chuối đều có một buồng chuối. Có buồng chuối trăm quả, cũng có buồng chuối cả nghìn quả. Không thiếu những buồng chuối dài từ ngọn cây uốn trĩu xuống tận gốc cây. Quả chuối chín ăn vào không chỉ no, không chỉ ngon mà còn là một chất dưỡng da làm cho da dẻ mịn màng. Chính vì thế nhiều phụ nữ nghiền chuối như nghiền mỹ phẩm. Nếu chuối chín là một món quà sáng trưa chiều tối của con người thì chuối xanh lại là một món ăn thông dụng trong các bữa ăn hằng ngày. Chuối xanh có vị chát, để sống cắt lát ăn cặp với thịt heo luộc chấm tôm chua khiến miếng thịt ngon gấp bội phần, nó cũng là món ăn cặp rất tuyệt vời với các món tái hay món gỏi. Chuối xanh nấu với các loại thực phẩm có vị tanh như cá, ốc, lươn, chạch có sức khử tanh rất tốt, nó không chỉ làm cho thực phẩm ngon hơn mà chính nó cũng thừa hưởng cái ngon cái bổ của thực phẩm truyền lại. Người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn từ quả chuối như chuối ép, mứt chuối, kẹo chuối, bánh chuối,… nhưng có một điều quan trọng là quả chuối đã trở thành phẩm vật thờ cúng từ ngàn đời như một tôtem trên mâm ngũ quả. Đấy là “chuối thờ”. Chuối thờ bao giờ cũng dùng nguyên nải. Ngày lễ tết thường thờ chuối xanh già, còn ngày rằm hoặc giỗ kị có thể thờ chuối chín. Có lẽ vì thế mà chuối thờ thường lên giá đột ngột vào những dịp lễ, tết mà nhà nào cũng phải mua về để thắp hương thờ cúng.
Gợi ý:
– Bài văn giới thiệu về cây chuối trong đời sống người Việt Nam;
– Người viết sử dụng yếu tố miêu tả để giới thiệu về đặc điểm của cây chuối: lá chuối, thân chuối, quả chuối, cách ăn chuối,…
2. Việc sử dụng miêu tả khi thuyết minh về đặc điểm của cây chuối có tác dụng như thế nào? Hãy chỉ ra những câu văn có tính miêu tả và phân tích tác dụng của chúng.
Gợi ý: Yếu tố miêu tả trong văn bản này có tác dụng giúp người đọc hình dung ra một cách cụ thể, sinh động đặc điểm của cây chuối, công dụng, cách sử dụng sản phẩm từ cây chuối. Có những câu miêu tả song thường thì người viết sử dụng những từ ngữ miêu tả, hình ảnh miêu tả trong những câu giới thiệu, thuyết minh. Có thể kể ra một số câu có tính miêu tả như:
– Đi khắp Việt Nam, nơi đâu ta cũng gặp cây chuối thân mềm vươn lên như những trụ cột nhẵn bóng, toả ra vòm tán lá xanh mướt che rợp từ vườn tược đến núi rừng. (…) Chả là gốc chuối tròn như đầu người, lớn dần theo thời gian, có dễ chùm nằm dưới mặt đất.
– Nào chuối hương, chuối ngự, nào chuối sứ, chuối mường, loại chuối nào khi quả đã chín cũng đều cho ta vị ngọt ngào và hương thơm hấp dẫn. Có một loại chuối được người ta rất chuộng, đấy là chuối trứng cuốc – không phải là quả tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc.
Yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh chỉ có tác dụng bổ trợ, làm tăng thêm sức hấp dẫn, giúp cho việc giới thiệu, giải thích được rõ ràng hơn.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Một trong những yêu cầu đối với văn bản thuyết minh là phải cung cấp cho người đọc (nghe) những tri thức đầy đủ, toàn diện về một đối tượng nào đó. Theo em, văn bản Cây chuối trong đời sống Việt Nam đã đảm bảo được yêu cầu này chưa?
Gợi ý: Đây là văn bản trích, không phải văn bản hoàn chỉnh cho nên không thể đặt ra tiêu chuẩn thuyết minh đầy đủ, toàn diện đối tượng đối với văn bản trích này được.
2. Hãy bổ sung những đặc điểm khác về cây chuối để có được sự thuyết minh đầy đủ hơn (chú ý bổ sung các chi tiết có sử dụng miêu tả).
Gợi ý: Có thể bổ sung theo đặc điểm từng bộ phận của cây chuối:
– Thân cây chuối có hình dáng…
– Lá chuối tươi…
– Lá chuối khô…
– Quả chuối…
– Bắp chuối…
– Nõn chuối…
– Củ chuối…
3. Tìm những câu miêu tả trong văn bản thuyết minh sau:
Con ếch có khi được gọi là “gà đồng”, là giống vật lưỡng thê không đuôi vừa ở trên cạn, vừa ở dưới nước. Lưng ếch có màu xanh lục hay màu nâu, pha một ít chấm đen. Khi ếch nấp trong bùn hay trong khóm cỏ, nếu ta không chú ý thì khó lòng mà nhận ra. Khi ở trên cạn, hễ gặp nguy hiểm, chỉ vài bước nhảy là ếch đã lặn xuống mặt nước, biến mất. Khi ở dưới nước mà gặp nguy hiểm, ếch nhanh chóng nhảy ra khỏi mặt nước để chui vào bụi cỏ ven bờ.
Ếch tuy ở dưới nước nhưng thở bằng phổi và bằng da, còn tim ếch lại có nhiều hơn tim động vật khác một tâm thất. Khi ở trên cạn ếch thở tự do, da tiết ra một chất nhờn giữ ẩm ướt. Do đó dù trời hanh khô ếch vẫn thích nghi được.
Ếch “đi” bằng cách nhảy. Hai chi sau dài hơn hai chi trước, giữa các ngón có màng, bắp thịt nở nang. Khi nhảy, hai chân sau đạp một cái là cất mình bay lên, khi hạ xuống thì hai chân trước vươn ra đỡ như cái nhíp.
Ở dưới nước ếch bơi bằng hai chân sau, do giữa các ngón có màng ngăn, đạp chân ra sau một cái là thân ếch vươn tới như mũi tên rẽ nước, hai chi sau khép lại trông rất đẹp. Đầu ếch có hình tam giác lại dẹt, ít gây trở lực khi bơi, cho nên ếch bơi rất nhanh.
Lưỡi ếch là một công cụ đặc biệt để bắt mồi: lưỡi dài và cuống lưỡi gắn liền với cơ ở hàm răng trước. Lưỡi chia làm hai nhánh, cong về phía trong, tạo thành hình lưỡi câu. Mặt lưỡi thấm đầy chất dính. Các côn trùng nhỏ một khi bị lưỡi ếch kẹp chặt, dính vào chất keo thì không thể thoát được. Bên miệng ếch lại có một dãy răng, côn trùng không cách gì thoát ra được.
Động tác bắt mồi của ếch thật là ngoạn mục. Khi có một con côn trùng bay qua, ếch nhảy lên một chút, cái lưỡi vươn ra, kẹp đúng con mồi và cho vào mồm nuốt liền. Động tác ấy diễn ra chỉ trong một giây. Theo thống kê, một con ếch một ngày có thể ăn được một trăm con côn trùng có hại. Do đó nông dân xưa nay rất yêu quý loài ếch.
Vào mùa sinh sản của ếch khoảng tháng ba, tháng tư hàng năm, khi những trận mưa rào đầu tiên trút xuống, tiếng tỏ tình của các đôi lứa ếch kêu râm ran vang động cả cánh đồng, thật là vui tai.
Phải giữ gìn loài ếch để chúng được kêu vui mỗi độ xuân qua hè về.
Gợi ý: Bài văn sử dụng nhiều hình ảnh miêu tả, dưới đây là những câu miêu tả tiêu biểu:
– Lưng ếch có màu xanh lục hay màu nâu, pha một ít chấm đen.
– Hai chi sau dài hơn hai chi trước, giữa các ngón có màng, bắp thịt nở nang. Khi nhảy, hai chân sau đạp một cái là cất mình bay lên, khi hạ xuống thì hai chân trước vươn ra đỡ như cái nhíp.
– Đầu ếch có hình tam giác lại dẹt, ít gây trở lực khi bơi, cho nên ếch bơi rất nhanh.
– Lưỡi chia làm hai nhánh, cong về phía trong, tạo thành hình lưỡi câu.
– Khi có một con côn trùng bay qua, ếch nhảy lên một chút, cái lưỡi vươn ra, kẹp đúng con mồi và cho vào mồm nuốt liền.
4. Các yếu tố miêu tả trong văn bản trên có tác dụng như thế nào trong việc thuyết minh?
Gợi ý: Bài văn thuyết minh về đối tượng nào? Giới thiệu về đối tượng ấy có cần miêu tả không? Thử lược bỏ những yếu tố miêu tả và nhận xét về hiệu quả thuyết minh của văn bản khi đã bỏ đi các yếu tố miêu tả.