Mưa giữa mùa luôn cho em sống như chưa bao giờ phải xa anh, mưa trái mùa là những chùm kí ức em hái vội vào Yêu lúc còn non chưa kịp chín.
Anh ra trường, tình nguyện công tác ở một vùng sâu của huyện miền núi. Hoài bão một thời trai trẻ được anh gom về, hun đúc, quyết dựng xây cho ngôi trường làng hẻo lánh xa xăm. Em ngậm ngùi sống cùng những ngày xa và nhớ, lướt nhìn anh hăm hở đuổi theo những kỳ vọng “đèo chữ lên non”!
cuộc sống chật vật làm anh thay đổi đến độ em khó mà nhận ra, nếu không nghe thấy vẫn giọng nói ấm nồng kia. Anh gầy đét, màu da bánh mật thay cho nước da “trắng như bột
lọc” em vẫn thường trêu khi xưa. Cái phong trần thay cho vẻ phong lưu, anh quen đi bộ đường rừng và thích thú với cái nắng, cái gió, cởi lưng trần phơi sương… Hết thảy đều khác trước, chỉ có tình yêu anh dành cho em là không hề thay đổi.
Nơi anh dạy học và tá túc có “thừa sự thiếu thốn mà thiếu đi sự đủ đầy”! Không đèn điện, không internet, càng không bi-a (trò tiêu khiển “hăng” nhất của anh). Đi bộ hết “một khâu rựa” (cách tính đo đường của người miền núi) rồi phải lội qua một khe suối mới đến được bưu điện huyện. Vậy mà, chưa một lần anh than vãn hay kêu ca gì với em về điều ấy. Chỉ có em là hay dỗi hờn, trách móc anh sao không chịu gọi điện thường xuyên, không nhắn tin cho em… ngày ba bữa cộng với buổi tối trước khi chợp mắt để chúc em ngủ ngon.
Anh lặng lẽ nhìn mà không nói gì, bất chợt em nhận ra trong ánh mắt sâu thẳm ấy tràn về một nỗi nhớ đến đắng lòng da diết.
Tin bão xa dấy lên trong em nỗi cồn cào âu lo. Rồi nhận được tin nhắn của anh: “Bão lũ, chỗ anh bị cô lập mất rồi”. Đó là dòng tin nhắn cuối cùng em nhận được suốt 3 cơn bão liên tiếp đổ dồn về miền Trung.
Mất sóng, điện thoại không liên lạc được, em đứng ngồi không yên, nhói lòng bật khóc mỗi khi nghe đài báo có thêm nạn nhân thiệt mạng hay mất tích vì lũ.
Tạnh mưa, nước chưa kịp rút, anh đã lăng xăng đi về các thôn buôn giúp bà con khắc phục sự cố rồi hớn hở xuống núi, vội vàng nhắn cho em lấy vài dòng: “Anh vẫn an toàn. Em khỏe chứ? Nước lũ sẽ chở về xuôi giùm anh nỗi nhớ em đến tê dại. Anh!”.
Đợi mãi xe mới thông đường về xuôi. Bỏ lớp, “thầy hiệu trưởng” vù lên xe chạy về bên em (thật ra là anh gửi lớp cho đồng nghiệp). Ôm gọn em trong lòng, anh thỏ thẻ: “Hiểu và thông cảm cho anh nghen em! Thế mà, so với nhiều giáo viên ở vùng sâu, anh còn sướng hơn nhiều. Băng đường rừng cũng mệt lắm nhưng nghĩ tới… bưu điện là khỏe liền… Nhờ có em động viên đấy!”.
“Có mà động viên để anh về nhận kỷ luật đó, hiệu trưởng mà dám bỏ lớp. Rõ hư!”, em nguýt dài xuýt xoa. “Ừ, kỷ luật thật chứ chẳng chơi… nhưng chắc luật pháp cũng nương tay cho… giáo viên vùng sâu vì họ biết anh nhớ em quá mà!”.
Càng nhớ càng thương anh quá đỗi, còn chỗ đâu cho giận hờn vu vơ. Em tự nhiên muốn ghì chặt lấy anh đến ngạt thở, con tim vỡ òa nhảy khỏi lồng ngực tìm đến một sự thương cảm sâu sắc. Tất cả vì “chòng chành đèo chữ lên non, phải không anh?”. Anh ơi, có hay:
“Cao Nguyên xa, giấu hồn em ở cả
Dẫu nắng mưa đường rừng lắm vất vả
Em lại về đây nghe cỏ hát trên đồi”.
Nhất định, em sẽ về bên anh cùng chung tay thực thi ước vọng “nuôi con chữ”, khơi miền khai sáng cho xóm nhỏ heo hút ánh đèn dầu, nhé anh!
Khó khăn mấy em cũng vượt qua bởi nơi ấy có anh và có tình yêu của chúng mình, anh ạ.