– "Người con gái ấy thường đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp học của anh những buổi chiều xấp xoá nắng vàng. Đôi mắt to, đen và thăm thẳm luôn luôn ngại ngùng, vội vã quay đi khi chạm vào cái nhìn tình cờ của anh…".
Đêm. Gió mơn man chảy từ ngoài sông về mang theo làn hơi âm ẩm mát lạnh. Chị khiêng chiếc chõng cũ kỹ ra phía đầu hồi nằm ngóng trăng lên. Dấu vết qua lưu lại trong không gian mùi thơm hương dìu dịu, ngòn ngọt của thứ rơm phơi vừa độ nắng. Bên kia sông, tiếng sáo trúc réo rắt thôi khúc vào mùa, rồi đột nhiên lại dịu hương, tha thiết. Lòng chị xốn xang.
Chị biết. Tiếng sáo làm đêm thao thức bắt đầu từ ngôi nhà của người con trai ấy. Người con trai tật nguyền.
Có thể anh chưa từng gặp chị nhưng chị lại biết anh rất rõ. Anh là con trai ông giáo Huyền ở xóm Bồi. Ngày xưa, anh nổi tiếng khắp vùng vì học giỏi. Nhưng cuộc đời trớ trêu, lúc cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay với bao hoài bão và dự định, thì tai nạn bất ngờ đã khiến chàng trai chẳng bao giờ còn đi trên đôi chân của mình được nữa.
Anh nén nỗi đau, trở về làng nối nghiệp cha, truyền dạy những điều bao năm tích luỹ và khát vọng còn dang dở cho lũ trẻ lam chốn quê nghèo. Mỗi lần mong sang sông, chị thường đi đường vòng đến bãi ngô để được ngang qua lớp học, nán lại lắng nghe lời giảng bài trầm ấm của anh. Để rồi đêm về, khắc khoải đợi chờ tiếng sáo da diết, chan chứa nỗi niềm trôi miên man trong đêm sâu.
Người con gái ấy thường đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp học của anh những buổi chiều xấp xoá nắng vàng. Đôi mắt to, đen và thăm thẳm luôn luôn ngại ngùng, vội vã quay đi khi chạm vào cái nhìn tình cờ của anh. Lâu dần, anh có thói quen nhìn qua khung cửa sổ đã lên màu thời gian kiếm tìm và chờ đợi.
Vào những ngày mưa, đôi mắt ấy không đến. Vậy là anh thấy lòng hẫng hụt như thiếu vắng điều gì thân thiết lắm. Lũ trẻ nhạy cảm và tò mò bàn tán “Hình như thầy mình yêu”, “Ừ. Mà lại yêu chị Hiền mày ạ”. “Bố tao bảo. Chị ấy là gái lỡ thì”, “Lỡ thì sao?”, “Là hết thời gian lấy chồng”. Những lời ngây thơ của học trò khiến anh không thể thờ ơ. Tiếng sáo mỗi đêm vẫn tha thiết qua sông, tìm đến ngôi nhà nhỏ có người con gái bâng khuâng chờ đợi trước hiên nhà, lặng lẽ và trầm buồn.
Bão xa. Mưa xối xả giăng ngang sông. Học trò không đến được lớp làm cả thầy và ông đò cùng trống vắng. Họ ngồi bên nhau, cạnh trai rượu nếp thơm lừng ngó mông lung qua mưa. “Bác có biết cô Hiền bên kia sông không?” – chàng trai ngập ngừng. “Biết. Mà sao?”, “Cô ấy vẫn thường sang đây…”, “Con bé đó ngoan mà khổ”.
Ông lão rót một ly rượu, thủng thẳng trước vẻ bồn chồn của anh giáo trẻ. “Mười tám tuổi nó được hứa gả cho một lão già nhiều tiền vì bố mẹ túng quá, lại ốm. Chưa kịp cưới xin, mới làm đám hỏi thì lão lăn ra chết. Ở quê, thì là thành một đời chồng. Lại mang tiếng ham tiền. Ai còn dám hỏi. Mấy năm sau bố mẹ nó chết, do bệnh và thương con. Nó cứ lầm lũi một mình như thế… Ừ. Mà sao hay trời mưa to quá”. Tiếng ông lão tan trong tiếng mưa ồn ào, nghe như gần gũi, lại như xa xôi. Chàng trai thấy tim mình dấy lên niềm đau, mơ hồ nhưng rất sâu.
Mấy hôm sau, không thấy tiếng sáo vọng sang, chỉ có mưa rả rích. Chị thấy lo lắng lạ. Anh ấy ốm chăng. Chân tay thế kia, ai chăm sóc cơm cháo cho. Dạo này chị cứ hay nghĩ miên man. Nhớ đến ánh mắt anh ấm áp, chị có cảm giác càng ngày nó càng trìu mến, yêu thương và đồng cảm như muốn gửi gắm, tỏ bày cùng chị điều gì.
Chị mới hai mươi lăm tuổi, vẫn còn nhiều khao khát, vẫn tha thiết được yêu thương, chở che. Nhìn bọn trẻ hai mươi trong lòng tay bồng, tay bế, chị ước ao, thèm muốn. Đêm nằm lắng nghe tiếng mưa tí tách đổ giọt qua mái lá, thầm nghĩ đến ngôi nhà đề huề con cái, chồng vợ mà nước mắt rơi đầm chiếc gối đơn.
Có đêm bỗng mơ, người con trai tật nguyền ấy thành chồng của mình, đang ngồi dạy đứa con gái nhỏ xíu đánh vần trước hiên nhà, còn mình ngồi chải tóc bên dòng sông trong vắt. hạnh phúc có thể hát lên không nếu một người con gái lỡ thì và một người con trai không nguyên vẹn đôi chân gắn kết cùng nhau? Chị tự hỏi lòng, không dám tìm câu trả lời nhưng không thôi ao ước. Những ngày mưa thường dài….
Anh lặng lẽ chống nạng ra bãi ngô của làng. Gặp mưa, lại tự uống căng mình dòng phù sa màu mỡ, lá ngô óng ả, non xanh đến diệu kỳ. Ruộng ngô của người con gái có cái tên thật dịu dàng ấy cứ ngời lên sức sống không gì cưỡng lại nổi.
Anh tiến về phía cuối bờ, thận trọng trồng xuống cây hoa nhỏ xíu, xinh xinh. Không hiểu sao, từ ngày trò chuyện với bác đò, anh càng không thể không nhớ đến chị. Ánh mắt đen, thăm thẳm buồn ám ảnh từng đêm. Dù làng quê khắt khe đến bao nhiêu cũng chẳng thể nào bắt một người con gái trẻ trung nhường ấy thành goá phụ đơn côi cả một đời. Giá anh lành lặn đôi chân, anh s
qua sông tìm chị để chở che, yêu thương, vỗ về. Nhiều đêm, anh không buồn thổi sáo nữa. Nhìn đôi chân… anh không muốn làm chị khổ. Bên kia dòng sông thao thức, ánh đèn muộn rất. Rất khuya.
Sau mưa. Trời rạng rỡ nắng. Lũ trẻ ồn ào đến lớp. Ông đò hối hả chèo trong tiếng cười rổn rảng. Chị gói những củ khoai to vào chiếc túi, qua sông từ sớm. Anh giáo đứng ở ngưỡng cửa như chờ đợi: “Lâu không thấy Hiền qua sông”. Chị chột dạ “Sao anh ấy lại biết mình” rồi bối rối đưa chiếc túi “Thầy giáo cầm lấy, khoai ngon lắm, để ăn cùng bác đò cho vui” rồi chạy biến vào đám ngô xanh rờn. Anh thấy lòng giãn ra như vừa trút bỏ những gì quá nặng nề”. Đám trẻ ríu ran vào lớp như bầy chim non. Ngày tràn đầy nhựa sống đã bắt đầu.
Họ đã không còn ngượng ngùng mỗi lần gặp nhau. Có hôm quá trưa, chị ở lại nấu ăn cùng ông đò và anh giáo. Khi ngô đã trổ cờ tưng bừng khắp bãi chị mới phát hiện điều bất ngờ. Phía cuối ruộng ngô, có một cây tầm xuân xanh biếc vừa trổ hoa. Nụ hoa tròn xinh, bé bỏng nhìn chị như cười. Đang lặng đi vì sung sướng thì giọng nói rất dịu dàng, trầm ấm vang lên phía sau:
“Hiền thấy không. Hoa tầm xuân này nở quanh năm đấy. Nó không có tuổi nên chẳng sợ thời gian, dẫu gió hay mưa vẫn luôn khoe sắc”. “Để tìm mùa xuân hả anh?”. “Không, để giục người đi tìm mùa xuân”. Anh nói, nhìn chị mỉm cười. Chị đỏ mặt. Nụ tầm xuân khẽ khàng đong đưa trước gió.