Giữa Thu, sen hồng không to, đâu còn nét khoẻ khoắn, trẻ trung như những bông vào mùa hè rực nắng, thế nhưng chúng vẫn mang những âm sắc thơm nồng của loài hoa cao quý. Đường về quê anh, sen nối liền khắp nẻo.
Tranh thủ về đám cưới anh họ, anh còn có ý định giới thiệu nàng với gia đình, họ hàng. Điều đó khiến nàng cảm động, hồi hộp và lo âu. Song, thái độ thân thiện của bà con chòm xóm khiến nàng thoải mái hơn và bớt rụt rè.
Nàng cùng các cô, các chị sơ chế rau củ làm cỗ. Những người nấu cỗ cưới ở đây đều là họ hàng, làng xóm xung quanh chứ không thuê như ở quê nàng và các nơi nàng đã qua. Anh còn nói: “Không gọi họ đến làm, còn bị mắng cho ấy chứ”. Tình làng nghĩa xóm khiến nàng thấy thích thú và ngưỡng mộ.
Nàng thoăn thoắt nhặt rau dù vẫn thoáng cảm thấy cồm cộm có ánh nhìn mình phía sau. Nghe anh bảo, mẹ đã quan sát nàng và có vẻ như hài lòng, anh thật khéo động viên nên đã giúp nàng tự tin hơn một chút.
Buổi chiều rỗi rãi, nàng đi dạo gần nhà, được ngắm làng anh kỹ hơn, một màu xanh cây cối đầy sức sống bao quanh dịu mát cả người. Ngoài bờ ao, một đàn vịt độ chục con đang bơi lội tung tăng miệng không ngừng ca hát, trò chuyện. Hai chân thoăn thoắt rẽ làn nước mà bơi tìm thức ăn, khi đã no nê chúng vục đầu xuống quẫy nước hất lên mình, tắm rửa sạch sẽ rồi lại “quàng quạc” bơi đi tìm chỗ râm mà nghỉ. Ngắm nhìn chúng, nàng thấy tâm hồn nhẹ nhõm, thanh bình, một cảm giác như ở bên người mình yêu. Quê anh tuyệt quá!
Điều nàng cảm thấy vui và đặc biệt nữa là không như ở phần đa những đám cưới nàng đã dự, họ đều mở đĩa nhạc chói tai điệu Pop, Rock, ở đây làn điệu quan họ truyền thống khiến trái tim nàng thổn thức. Làng quê quan họ Bắc Ninh cơ mà. “Có yêu nhau sang chơi cửa, chơi nhà. Cho thầy là thầy mẹ biết… Tính a tinh ý tình tình tinh…”, nàng hồn nhiên hát theo, thấy yêu làng quê anh thêm nữa.
Tối, khi khách đến chủ yếu là thanh niên nam nữ tụ tập, vui đùa, đám cưới còn thuê cả liền anh, liền chị và cây đàn sống đến góp vui bằng các làn điệu. Nàng vui thích vỗ tay liên tục. Lần đầu tiên nàng thấy họ ở ngoài đời, gần gũi thân thiện, mang đến giọng ca thánh thót, ngân vang.
Trời không còn sớm, khách về gần hết, nàng cùng các cô lúi húi dọn dẹp chuẩn bị cho đón dâu sáng hôm sau. Bỗng giọng ca đâu đó cất lên, dẫu không chuyên nghiệp cũng khiến nàng im lặng, lắng tai vì nó truyền cảm, bình dị mà rất sâu sắc.
Ban đầu nàng nghĩ họ hát karaoke, lúc tò mò ra ngó mới thấy họ nhìn trân trân lên màn hình vô tuyến, trên đó là đĩa VCD album ảnh cưới của cô dâu chú rể. Họ hát theo tiếng đàn nhạc công đánh, không sai lấy một nốt, luyến láy, dừng nhịp như ca sỹ thực thụ. Ra hầu hết người quê anh đều biết hát quan họ, thuộc nằm lòng như bài hát mẹ ru.
soNormal" style="font-size:12pt;margin:0;padding:0;">
Hôm sau nàng còn có thêm một phát hiện, con gái Bắc Ninh thật là xinh, lại duyên dáng. Họ đều có đường nét thanh tú của tuổi xuân, chẳng thế có lần nàng nghe mẹ kể, ngày trước vua tuyển vợ, thường về đất Kinh Bắc này. Nàng trêu: “Con gái quê anh xinh nhường ấy, sao phải lặn lội xa xôi, để mắt đến em làm chi?”. Anh khẽ cười: “Biết rồi còn hỏi”. Tim nàng rung động, thêm hạnh phúc.
Nàng ước một ngày sẽ theo anh về làng quan họ lần nữa, khi ấy nàng được mặc một bộ đồ dài, trắng thướt tha, đẹp lung linh mà mọi người hay gọi là váy cưới. Sau đó, nàng sẽ hoà mình vào người dân nơi đây, thành liền chị hiền hoà bên áo tứ thân, khăn mỏ quạ. Và bên tai nàng sẽ luôn văng vẳng câu hát: “Người ơi, người ở đừng về…”.