SốngĐẹp Team - Cộng Đồng Sống Đẹp
Có một người cha giữ hai cuốn nhật ký viết về con gái. Trong đó có một cuốn anh viết khi con đang còn trong bụng mẹ. Chín tháng mười ngày trải dài trong 100 trang viết khắc khoải mong chờ đứa con đầu lòng.
Có một người cha giữ một kỷ vật trong hộp đồ nữ trang gia bảo. Đó là một miếng kẽm hình tròn có đục lỗ đeo dây. Trên cả hai mặt đều ghi chữ số 34. Ít ai biết vật này có giá trị gì mà anh sợ mất nó hơn bất cứ món nữ trang quý giá nào.
Những ngày đầu con gái chào đời là những ngày anh phấp phỏng “lẻn” vào phòng sơ sinh mỗi ngày chục bận, để âu lo dòm vào đứa bé mỏng mảnh đang nằm trong lồng kính và chưa chịu mở mắt. Đứa bé mang số 34. Và những lần cô hộ lý đưa con anh đi tắm là một lần anh mong ngóng hồi hộp nhìn con số 34 để biết chắc rằng con anh không bị “lạc”. Ngày đón con từ bệnh viện về, khi thay áo cho con gái, anh mừng rú lên khi thấy người ta bỏ quên “vật báu” 34 vẫn còn đeo ở cánh tay con. Anh biết đó sẽ là vật quí còn theo anh mãi mãi.
Có một người cha khắc những vết khắc lên cột, vạch những vạch vôi lên tường để đo con gái lớn dần trong niềm vui và nỗi lo. Những vết khắc, vạch vôi là những bức tranh nhân bản đẹp tuyệt vời trong bất cứ ngôi nhà nào.
Có một người cha cứ trồng thêm một cây khi con thêm một tuổi. Và vườn cây cho con gái cứ nhiều lên trong hạnh phúc đớn đau của người cha, khi nghĩ về cái ngày con lên xe hoa về nhà người khác.
Tất cả những việc tưởng chừng như “ngớ ngẩn” của người cha dành cho con để làm gì?
“Để một ngày kia con về cùng hạnh phúc
Ba đôi lúc nhìn quanh cho đỡ nhớ nhà mình”.
Câu thơ trên đã giải thích hộ cho mọi người cha yêu con gái, rằng đối với cha, con gái có ý nghĩa thân thiết ngự trị vào tất cả, là gia đình, là ngôi nhà. Đến mức nếu con gái không còn có con trong ngôi nhà này, thì có nghĩa là ngôi nhà cũng không còn, đã xa lạ như nhà của người khác mất rồi. May mắn sao những kỷ vật kia, những vạch vôi, vết khắc kia, “vườn cây-con gái” kia, là hiện thân của con qua năm tháng vẫn còn ở lại. Và thế là cha nhìn quanh, nhìn lên những “hiện thân” ấy để gặp lại một chút nhà mình, cho đỡ nhớ nhà mình.
Một ngày nọ vào bệnh viện, thấy một cô bạn gái đang đút cháo cho bố ăn, tôi chợt thấy thảng thốt với câu nói của nhà thơ Thanh Tịnh “Bố cho con ăn, con cười, bố cười. Con cho bố ăn, bố khóc, con khóc”. Và câu tục ngữ xưa chợt vọng về trong tâm thức “cơm mẹ thì ngon cơm con thì đắng”. Mới thấy vòng đời ngắn ngủi làm sao!
Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé
Để con đi…
Cha tôi khuất núi cũng khá lâu rồi, cha tôi hiền lành và chăm chỉ, rất trách nhiệm với gia đình. Khi tôi mới lọt lòng, mẹ bị bệnh nên không có sữa cho tôi, hầu như đêm nào cũng vậy tôi khóc ngằn ngặt vì đói. Cha tôi vô cùng vất vả để chăm sóc cậu “con trai háu đói” của mình. Mẹ tôi kể, hồi đó mỗi đêm cha dậy 9, hoặc 10 lần nấu bột để “chữa” tính xấu “háu đói” của tôi. Cha thường xuyên mất ngủ như vậy, nhưng sáng mai vẫn phải ra đồng tất bật với công việc của nhà nông.
Hồi tôi lên 6 lên 7 mỗi lần theo cha đi chơi tôi vẫn thường đánh đu vào cánh tay vững chắc của cha, hoặc tôi sẽ được ngồi trên cổ cha nhong nhong, những lần như vậy cha lắc lư người trong khi tôi cười khanh khách vì thích thú. Mỗi lần đi ăn cỗ ở nhà họ hàng, cha luôn luôn không quên đem phần về cho tôi và đứa em ở nhà, phần quà nhỏ thôi – đa phần là nắm xôi, hoặc nắm cháy cơm nếp, nhưng tôi hiểu tình yêu cha dành cho anh em tôi không gì đo đếm được, từ đó đến nay cơm nếp luôn là món mà tôi chưa bao giờ không thích .
Tôi vốn “nhát” nên hãi lắm khi phát hiện rằng răng của mình đang chắc chắn là thế bỗng nhiên nhiều cái lung lay. Biết chuyện cha cười phá lên “con sẽ phải nhổ những chiếc răng đó đi” – câu nói đó làm tôi vô cùng hoảng sợ. Cha dùng bàn tay thô ráp và chai sạn xoa đầu tôi: “Ai cũng phải chịu đau con ạ, muốn làm “anh hùng” thì phải chịu được những đau đớn lớn hơn việc nhổ răng sâu kia”. Dưới sự khích lệ của cha, tôi tưởng như mình đã là một “anh hùng” thực sự, càng về sau chuyện nhổ răng càng đơn giản đối với tôi, tới mức sau này tôi có thể tự mình “xử lí” mà không cần bất kì sự trợ giúp của ai khác.
Nhiều trưa hè oi ả, cha thường hi sinh giấc ngủ trưa của mình nếu không để quạt mát cho anh em tôi say giấc, cha sẽ hì hụi làm những chiếc diều để anh em tôi gửi gắm ước mơ. Tôi chưa bao giờ nhận thấy cha hết niềm vui khi phục vụ những yêu cầu “rắc rối” của tôi. Tôi biết vì anh em tôi cha sẵn sàng nhảy vào dầu sôi lửa bỏng mà không hề mảy may do dự. Cha đã truyền cho anh em tôi sự cẩn trọng, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là tình yêu lao động. Mặc dù ốm đau bệnh tật nhưng cha chỉ âm thầm chịu đựng, đặt hết niềm tin và sự kì vọng vào sự trưởng thành của anh em tôi.
Tôi nhớ về sự tích chim Hải Âu, tôi được đọc hồi bé xíu. Chuyện kể rằng có hai cha con nhà nọ sống nghèo khổ ở một làng chài ven biển. Người con ngỗ ngược thường không nghe lời cha dặn, bất kì chuyện gì anh cũng làm ngược lại những điều cha anh mong muốn. Người cha buồn rầu và lâm bệnh nặng, trước khi từ giã cõi đời ông nghĩ: “Con mình trước nay luôn làm trái với nguyện vọng của mình, khi nằm xuống mình chỉ mong được an táng trên núi cao. Nếu mình nói ra nguyện vọng đó nó sẽ làm ngược lại đem mình chôn xuống biển thì khổ lắm. Chi bằng mình cứ bảo nó chôn mình dưới biển, nó sẽ làm ngược lại”. Nghĩ vậy, người cha gọi con lại nói: “Sau khi cha chết con hãy an táng ta dưới đáy biển”, nói xong ông nhắm mắt từ trần. Người con đau khổ nghĩ: “Từ trước tới nay ta luôn làm trái ý cha, để chuộc lại lỗi lầm lần này ta sẽ thực hiện tâm nguyện cuối cùng của cha”, anh đã đem người cha đáng thương của mình an táng trong lòng biển. Một thời gian sau có vị thần báo cho anh biết về tâm nguyện thực sự của người cha muốn được chôn cất trên núi. Anh òa khóc, đau khổ và hối hận, ngày ngày ra khơi quăng lưới, lặn ngụp để tìm xác người cha tội nghiệp của mình, nhưng biển khơi thăm thẳm, mọi nỗ lực của anh để chuộc lại lỗi lầm đều vô vọng, anh kiệt sức và chết, hóa thành một loài chim luôn bay vờn sát mặt nước như tìm kiếm điều gì đó. Loài chim đó có tên Hải Âu, người ta bảo tiếng kêu của loài chim đó, là tiếng khóc than của người con khi tìm kiếm xác người cha khốn khổ của mình – “Xác cha đâu, xác cha đâu”.
Đó là một câu chuyện buồn thảm, câu chuyện là một lời cảnh tỉnh cho những ai không nghe lời cha mẹ, hiếu thuận với cha mẹ không bao giờ là quá muộn. Có nhiều sai lầm có thể sửa chữa được, nhưng có không ít những sai lầm mà chúng ta không thể cứu vãn, sai lầm như anh chàng trong câu chuyện đau lòng trên là một ví dụ, đừng mắc những sai lầm như thế nhé bạn của tôi.
Mỗi người đều lưu giữ trong tim hình ảnh một người cha. Dù giàu có hay nghèo khổ thì bất kì người cha nào cũng luôn dành cho con những tình cảm lớn lao, vẫn sẵn sàng gánh chịu vô điều kiện với lòng mong mỏi những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con mình. Bất kì người cha nào cũng mong con mình là chỗ dựa vững chắc khi mình bước vào tuổi xế chiều – trẻ cậy cha già cậy con là vì vậy. Những hình ảnh tiếp theo về người cha xin dành cho bạn, cho những ai được may mắn sinh ra trên cõi đời này.