Bố mẹ có hai cô con gái, nhưng bố mẹ đừng cho rằng chỉ màu đỏ của hồng nhung mới làm cho khu vườn xinh đẹp, bởi màu hồng tươi tắn của đóa thủy tiên cũng làm nên điều đó.
Chị là một cô gái xinh đẹp và giỏi giang, nhưng đó không phải là lí do để bố mẹ đặt chị vào mọi ngóc ngách của cuộc đời con và bắt con phải giống chị. Xin bố mẹ hãy để con là chính con, chứ không phải là một chị thứ hai.
Chị và con lớn lên trong cùng một mái nhà, dưới cùng một sự chăm sóc. Nhưng bố mẹ có bao giờ nghĩ rằng để có một bông hồng và một bông thủy tiên đẹp là hai phương pháp nuôi dưỡng hoàn toàn khác nhau? Nhưng những năm qua bố mẹ luôn dùng một sự chăm sóc để buộc hai loài hoa ấy đẹp theo một mẫu số chung.
Ngay từ khi hai chị em còn nhỏ, mẹ đã luôn bắt con phải mặc những chiếc váy điệu đà giống chị vì mẹ cho rằng như thế mới nữ tính. Nhưng con lại thích mặc một chiếc áo phông và quần jean hơn. Mẹ đăng kí cho con học lớp múa ballet cùng chị, dù môn ngoại khóa con thích là võ. Ngày Tết năm nào mẹ cũng tô son, đánh phấn cho hai chị em mà chẳng hề biết rằng con thích được để gương mặt tự nhiên của mình, để có thể cười, có thể ăn mà không sợ làm mờ màu son mẹ đánh.
Con cứ lớn lên với cái vẻ bề ngoài cố phải giống chị, nhưng trong thâm tâm, cái Tôi của con muốn bùng lên mạnh mẽ. Đôi lần con muốn mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con dù chỉ là một bộ quần áo, một chuyến đi chơi cho ngày cuối tuần nhưng mẹ gạt phắt đi với lí do: “Những gì mẹ chọn cho hai con là phù hợp nhất rồi”.
Con nhận thức và cực kì khâm phục sự giỏi giang của chị. Con luôn học tập và lấy chị làm tấm gương cho con trong cuộc sống. Nói như vậy không có nghĩa là trên bước đường tiến tới thành công con sẽ đặt chân vào đúng những bước đi mà chị đã từng bước trước đó. Con có thể đi một con đường khác, bằng một cách khác, có thể không tối ưu và nhanh như chị, nhưng con tự hào rằng con bước đi bằng chính đôi chân và nghị lực của mình. Lẽ nào với cha mẹ, điều đó không đáng để tự hào?
Khi con học lớp 10 cũng là lúc chị bước vào cuộc sống sinh viên với kết quả đáng tự hào sau kì thi Đại học. Cha mẹ lấy làm hãnh diện nhiều lắm. Con cũng nể phục chị vô cùng. Nhưng ngay từ ngày đó bố mẹ đã luôn hướng con phải đi theo chị, học khối chị đã từng học, thi trường chị đã từng thi và chắc chắn là phải đỗ như chị đã từng đỗ.
Con quyết định thi khối C, chuyên ngành báo chí. Cha mẹ coi việc đó như thể là đại họa. Bởi lẽ bố mẹ muốn con giống chị, thi khối D, học Ngân hàng. Bố mẹ nói là ngành phù hợp với con gái, kiếm được nhiều tiền và quan trọng là bố mẹ có thể lo “đầu ra” cho con. Nhưng với con đó chưa bao giờ là ước mơ. Được trở thành một nhà báo, trải nghiệm với cuộc đời bằng cây bút là khát vọng của con. Nhưng mẹ khóc lóc cản ngăn vì cho rằng nó không hợp với con gái, rằng nó vất vả mà đồng lương ăn vào nhuận bút biết bao giờ mới giàu.
Lần đầu tiên con làm ngược lại ý cha mẹ, lần đầu tiên con dám sống với ước nguyện của mình. Con đơn độc trong kì thi Đại học. Và rồi con đỗ với số điểm cao. Bố mẹ thở phào nhẹ nhõm vì dù sao con cũng không trượt chứ tuyệt nhiên không có sự hân hoan rạng rỡ như ngày chị đỗ.
Con hiểu những gì mà bố mẹ hướng con đi đều là muốn tốt cho con. Nhưng hãy cho con khoảng trời riêng để con được là chính con, sống với những cảm xúc của riêng con. Bố mẹ có hai cô con gái, và xin bố mẹ hãy để bản tính trong mỗi đứa con của mình được tự do thể hiện, cũng giống như việc đừng cho rằng chỉ màu đỏ của đóa hồng nhung mới làm cho khu vườn đẹp mà không biết rằng màu hồng tươi tắn của đóa thủy tiên cũng làm nên điều đó.