1. Một tối bình yên, vào blog Thạch tôi thấy lủng lẳng dòng status: Giá như ở thiên đường có trạm điện thoại nhỉ? Tôi nhảy vào bình loạn, nhại lại lời ca khúc Mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn “Nếu điều ấy xảy ra, em biết và em biết, một mai anh rất… sến trở về”. Thạch chỉ đế thêm mấy hình mặt cười dưới câu còm của tôi. Chẳng biết Thạch có quên dòng status ấy, chỉ biết không thấy Thạch nhắc lại nữa. Chúng tôi lao theo với việc học, làm thêm và… yêu nhau. Không biết có phải do tôi không hưởng ứng lắm không. Vì tôi đã quên nó như quên… cuộc tình thời mẫu giáo của mình lúc nào không hay.
2. Tôi quen Thạch trong lần thi chung kết Rung chuông vàng toàn quốc, một cuộc thi kiến thức tổng hợp dành cho sinh viên đang rất hot trên truyền hình vài năm gần đây. Thạch dân kiến trúc. Tôi học ngoại thương. Trai kiến trúc “húc” gái ngoại thương, hay gái ngoại thương “vương” trai kiến trúc là mô hình cặp đôi mẫu mực thời nay. Không nói ra nhưng tôi biết mình đã may mắn khi “khai quật” được Thạch. Không biết có phải khi yêu người ta nhìn cái gì cũng đẹp mà tôi luôn thấy Thạch long lanh như chính cái tên của chàng. Dĩ nhiên tôi cũng chẳng phải một bông hoa mọc hoang mà ai thích cũng có thể ngắt được. Tôi đủ nhạy cảm và tinh tế để đọc được sự tự hào về tôi trong mắt Thạch.
Tóm lại là chúng tôi đã “bắt” được nhau một cách hoàn hảo.
Hình: internet
3.
– Năm 27 tuổi chúng ta sẽ cưới.
– Lâu quá. Thạch không sợ ai bắt mất em trong năm năm sau khi ra trường à?
– Anh sẽ đăng ký em lên cục sở hữu… con người. Đưa em vào dạng di tích xếp hạng, cấm xâm phạm. Mới lại phải cố gắng làm nhà rồi mới cưới chứ.
– Nhà bé thôi Thạch ạ. Không cần rộng đâu. Nhưng phải có vườn be bé trồng hoa hướng dương. Và phải thật nhiều cửa sổ, sơn toàn màu xanh nước biển.
– Rồi em sinh cho anh hai nhóc con.
– Ba chứ. Ba công chúa luôn. Sinh hoàng tử lớn lên giống bố nó sẽ… hao gái lắm.
– Thế lấy ai để anh dạy cách tán gái.
– Thạch dạy con gái cách bắt bài con trai là được rồi.
– À, em thích ban công sẽ xây vòm như tổ cúc cu, ngày rằm thắp nến ngắm trăng không?
– Được. Và bếp phải có lò sưởi. Mùa đông anh đi làm về vào bếp có lò sưởi và một tách trà actiso nóng.
– Lúc ấy anh thích ánh mắt em hơn, ấm hơn.
…
Chúng tôi hay nói chuyện vẩn vơ về những ngày mai ra trường như thế. Còn nhiều, nhiều lắm những buổi chiều buổi tối với những câu đối thoại không đầu không cuối như thế. Tôi sợ làm mất thì giờ các bạn nên không tiện ghi tất cả ra đây. Và còn sợ các bạn kêu sến nữa. Nhưng đúng là, chẳng ai yêu mà không nổi lên vài miligam sến. Nếu không tin bạn cứ thử yêu và được yêu xem.
Dài dòng vậy để thấy chúng tôi đang viên mãn bay trong không gian tình yêu như thế nào. Ấy vậy mà đùng cái Thạch đi. Đi chẳng để lại chút dấu vết gì ngoài bức thư dài lê thê như những cơn mưa ngâu tháng Bảy.
4. Tôi vừa bước ra khỏi phòng thi môn cuối cùng của học kỳ hai năm ba thì cậu bạn Thạch đã đứng ở cổng trường, bảo Thạch gửi thư. Tôi không khỏi ngạc nhiên trước lá thư cậu bạn đưa. Lạ kỳ. Lại thêm một trò sến mới à? Điện thoại đâu? Mail đâu? Làm gì mà phải viết thư? May mà cậu bạn Thạch đi chiếc Suzuki có mùi thổ tả. Nếu Thạch kỳ công đi thuê con ngựa gầy rồi bắt bạn phi tới đưa thư chắc thành tình yêu thời… trung cổ. Tôi bật cười với ý nghĩ của mình và hồi hộp nghĩ về điều bất ngờ trong lá thư đang đợi mình là gì? Thạch luôn biết cách làm tôi bất ngờ. Những bất ngờ thú vị nho nhỏ. Ngồi trên xe bus tôi lật xấp lật ngửa bì thư và cười cười với nó. Tôi không vội. Tôi muốn dùng dằng kéo dài thời gian rồi mới khám phá bất ngờ. Vừa xào nấu tôi vừa nghĩ tới lá thư. Trong nhà tắm tôi cũng nghĩ tới lá thư. Khi ăn cơm tôi vẫn nghĩ tới lá thư. Rồi cũng xong. Tôi hít một hơi thở sâu, bóc bì thư ra. Và rồi tôi bất ngờ. Như chưa bao giờ bất ngờ như thế. Thạch viết những lời xin lỗi. Những lời tạm biệt. Những lời chúc. Nhưng không một dòng lý do. Tôi cười. Hết trò nghịch rồi sao? Tôi lôi điện thoại nhắn tin: “Thư hay lắm. Đáng lẽ Thạch phải viết bằng máu và chữ loang lổ với những giọt nước mắt nữa chứ. Cần em viết hồi âm không?”. Tin nhắn gửi đi. Một phút. Rồi hai, ba, năm, bảy, mười. Không thấy nhắn lại. Tôi nhấn phím 1, phím cài số gọi nhanh dành cho Thạch. Tín hiệu không liên lạc được bật lên khô khốc. Một lần, hai lần và ba lần. Không tài nào liên lạc được. Một ngày. Hai ngày. Ba ngày. Chỉ là tín hiệu một chiều từ phía tôi. Hỏi số bạn bè ít ỏi của Thạch mà tôi biết, ai cũng nói đang định hỏi tôi về Thạch. Blog, email, facebook. Tất cả im lìm như những pharaon Ai Cập.
5. Tôi đi qua mùa Hè năm ba Đại học chập chờn giữa những cơn mơ hoang thấp thoáng hình bóng Thạch. Thạch cười. Thạch nói. Thạch vẫy tay. Thạch nháy mắt. Thạch vẽ biếm họa tôi trên máy tính… Thạch lẫn lộn trong những con người dọc ngang tôi gặp hằng ngày.
Tôi lao vào học vào công việc làm thêm để sự mệt nhoài giết chết những giấc mơ hằng đêm. Để năm bốn ra trường. Để mọi thứ cứ cuốn tôi đi. Vết thương ngày nào dẫu có kín miệng nhưng đã hằn thành sẹo, bình thường không sao, những lúc trái gió trở trời lại khiến mình mẩy đau nhức nhối. Trái gió trở trời ở đây là vô tình bắt gặp một đôi sinh viên đứng trú mưa bên hiên vắng nào đó, hay qua rạp chiếu phim thấy từng đôi dắt tay nhau vào rạp. Những lúc ấy tôi lại thầm trách Thạch. Tôi có lỗi gì chứ? Mà có gì cũng phải nói rõ ràng rồi ra sao thì ra. Tôi vốn ghét những gì lập lờ, không rõ trắng đen, nguyên do và mục đích. Thạch biết điều ấy mà. Chính Thạch cũng thích thế. Không lẽ Thạch đã diễn kịch trong chuyện tình cảm với tôi? Liệu tôi mù quáng tới mức không nhận ra tí ti gì? Thạch diễn tài vậy à? Không. Chắc là không. Nhưng nếu là không thì nghĩa là gì? Tôi tự hỏi. Tôi tự trả lời. Những câu trả lời giăng mắc ở một miền xa xăm nào đó.
Thạch đã hóa thạch trong ý nghĩ của tôi về những gì vừa xưa vừa xa.
Hình: internet
6. Tôi đi Pleiku tìm hiểu và mở rộng thị trường cho công ty.
Pleiku mùa mưa bình yên lạ lùng. Mưa bay thôi. Mưa trong hơi lạnh. Tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn. Nhận phòng, tắm gội xong thì cô bạn thời đại học tới, hỏi đi đâu. Tôi bảo đâu cũng được. Cô bạn nhìn tôi ngạc nhiên, nói biết hả, sao bảo lần đầu tới Pleiku? Tôi trèo lên sau xe cô bạn, để đầu óc trống rỗng, không để ý tới câu hỏi theo của cô bạn. Xe chạy được một đoạn thì vẩn vơ nhắc chuyện bạn bè lớp cũ. Mưa vẫn bay. Tôi giương mặt ra với mưa mà thấy lòng thảnh thơi. Bất ngờ cô bạn dừng xe, nói tới rồi đây. Tôi ngước lên. Đâu cũng được coffee. Ồ, hóa ra tôi nói đi đâu cũng được cô bạn lại dẫn tới quán Đâu cũng được.
Quán có kiến trúc khá đặc biệt. Vào quán như bước vào lãnh thổ của Tarzan. Người thiết kế như bê cả hồn cốt núi rừng Tây Nguyên đặt về đây. Nhưng đặc biệt nhất là bức tranh khổ lớn treo lơ đãng ở góc một căn chòi. Bức tranh xé dán hoàn toàn bằng chất liệu cỏ cây hoa lá. Một con đường màu chì dài ngút ngát từ mặt đất lên trời, nơi cao nhất là một trạm điện thoại, chẳng ăn nhập gì với khung cảnh bức tranh. Tôi chớp mắt. Vài giây sững sờ. Trạm điện thoại ở thiên đường. Phải, trạm điện thoại ở thiên đường. Cái câu status treo ở blog Thạch ngày nào.
Còn sớm nên quán vắng khách. Đích thân bà chủ đưa menu ra, là cô bạn nói nên tôi biết vậy. Giọng Elvis Phương với volume nhỏ ở mức cực tiểu trong bài Vết thù trên lưng ngựa hoang hòa trong lời bà chủ khi tôi tò mò hỏi về kiến trúc của quán. “Đây là bản thiết kế đầu tiên và cũng là cuối cùng của người cháu cô. Nó là sinh viên kiến trúc. Tới năm ba nó phát hiện bị bệnh nan y. Nó lẳng lặng bỏ trường bỏ người yêu về Pleiku sống những tháng ngày còn lại. Bức tranh khổ lớn này làm nó vật vã nhiều nhất, nó xé xé dán dán rồi lại bỏ, gần cả chục lần. Ai nhìn vào cũng nói khó hiểu nhưng lại rất nhớ”.
Không dưng tôi thấy người mình lạnh toát. Tay tôi nắm chắc chiếc điện thoại như sợ nó sẽ biến mất. Số máy của Thạch tôi vẫn chưa xóa. Liệu có cuộc gọi nào của Thạch dội về từ phía thiên đường cao xa kia không? Sao tôi như đang thấy Thạch ở rất gần đâu đây.