Thân hình mảnh mai của nàng trong chiếc áo hoa mỏng dường như run lên vì lạnh. Như vậy có thể đoán nàng từ xứ nóng tới đây. Bởi vì nếu là dân bản xứ, nàng ắt phải biết khoác thêm cho mình chút áo ấm khi chiều xuống.
Tôi dán mắt qua ô cửa bé xíu của phòng trọ sinh viên, thầm tán thưởng nước da trắng tinh và suối tóc xoăn mềm đen nhánh đổ tràn tấm lưng ong. Nàng xách chiếc va li nhỏ, đi khuất sau cánh cửa biệt thự Sương Mai một lúc lâu tôi vẫn ngồi thừ ngẩn ngơ, không đủ cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu quyển toán học đại cương đang mở ra trước mặt.
Nàng không đến Đà Lạt một mình mà đi cùng với mẹ. Bà luôn theo sát nàng. Cặp kính trắng trên khuôn mặt có phần hơi khắc nghiệt của bà khiến bất kỳ ai muốn đến gần nàng cũng phải e ngại. Nhưng tôi có sự nhiệt thành của cậu trai mới lớn. Ngoài những lúc phải lên giảng đường, tâm tưởng tôi dồn về phía biệt thự Sương Mai. Và tôi đã biết ngày nào hai mẹ con nàng cũng tản bộ ra hồ Xuân Hương lúc 3,4 giờ chiều. Nàng đi trước, thảnh thơi như trẻ nhỏ. Mẹ nàng theo sau, cắp theo một cái giá vẽ. Nàng luôn luôn ngồi vẽ ở một vị trí gần sát mép hồ, trên bãi cỏ rộng xanh mướt. Đối với tôi, hình ảnh nàng xoã mái tóc mây nghiêng người bên khung giá vẽ đẹp lãng mạn hơn bất cứ bức tranh nào. Có đôi lúc nàng chợt ngẩng lên bắt gặp cái nhìn chăm chắm lộ liễu của tôi. Một chút ngỡ ngàng thoáng qua khiến mặt nàng hình như hơi ửng lên, tựa như ngọn gió lướt qua mặt hồ phẳng lặng. Lúc này tôi mới nhận ra rằng khuôn mặt nàng tuy rất xinh nhưng hầu như không biểu cảm. Ngay cả những bức tranh nàng vẽ, mà tôi chỉ dám lén lút nhìn, cũng không hẳn là cảnh xung quanh hồ Xuân Hương – vốn được ca ngợi là một châu Âu giữa lòng đất Việt – như phần đông các họa sĩ sẽ làm như thế nếu họ đặt giá vẽ nơi đây. Những bức tranh đó có lẽ thoát ra từ ký ức nàng mà một sinh viên khoa Công nghệ như tôi chỉ có thể tạm hiểu đó là tranh trừu tượng.
Dần dần, hai mẹ con nàng đã quen với sự lẵng nhẵng của tôi. Không, có lẽ chỉ là mẹ nàng thôi. Tôi cảm nhận thế qua cách bà nhìn tôi. Nàng thì vẫn hoàn toàn vô cảm. Như trong cõi phiêu diêu nào đó mà tôi không thể nắm bắt được. Tôi tự biết mình thuộc loại đẹp trai, lại cao to lồng lộng, ít cô gái nào không lén nhìn lại tôi lần thứ hai, thứ ba… Vậy mà tất cả dường như không có chút giá trị nào đối với nàng. Đôi lúc nàng cũng có nhìn tôi. Nhưng cái nhìn thật bình thản. Vẻ bình thản làm điên đảo cuộc sống buồn tẻ hàng ngày của tôi. Hình bóng yêu kiều của nàng không buông tha tôi, ngay cả trong giấc ngủ ngày chập chờn.
Qua lời kể của mẹ nàng tôi biết nàng vốn là một phóng viên chuyên viết về âm nhạc, hội họa. Tuy còn rất trẻ nhưng nàng khá nổi tiếng bởi những bài viết tinh tế, sâu sắc. Và một phần bởi nàng đẹp nữa. Nhà nàng lúc nào cũng dập dìu các cậu trai. Bản chất tế nhị, nàng nhẫn nại ngồi tiếp chuyện tất cả, không một lời than phiền. Nhưng rõ ràng là trái tim nàng không dành cho ai trong số đó.
Rất lâu sau này, khi nàng đã ngã bệnh, mẹ nàng lần giở nhật ký của con gái mới rõ ngọn ngành. Thì ra, từ lâu nàng đã ôm ấp trong tim hình bóng một nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa. Và cả đào hoa nữa. Nghề nghiệp đưa đẩy nàng đến bên ông. Cảm nhau vì tài, mến nhau vì sắc, họ đã có một thời uyên ương quấn quít. Trái tim non tơ chưa một lần loạn nhịp vì yêu của nàng dâng trọn cho người tình hơn nàng đến gần 3 con giáp. Nàng tôn thờ tình yêu tuyệt đối, ngỡ rằng nó là mãi mãi. Nhưng với nhạc sĩ, nàng chỉ như một nốt nhạc vui trong cuộc đời gập ghềnh. Khi có một “nốt nhạc” khác, nàng lập tức thuộc về… cung trầm. Cú sốc đó đủ quật ngã hoàn toàn người con gái tự thiêu rụi mình trong tình yêu, là nàng.
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao ánh nhìn của nàng lại hoang hoải, thẫn thờ đến thế. Nàng không thuộc về cuộc đời này. Nàng sống trong cõi mơ. Nơi đó nàng tiếp tục dệt ảo mộng tình yêu. Mẹ nàng bảo rằng sau cú sốc đầu đời đó, bà đã mất đứa con gái bao lâu nay là niềm tự hào của cả dòng họ. Nàng không khóc lóc, không đập phá, chỉ ngơ ngác như một đứa trẻ. Dịch nôm na theo cách nói của y học, nàng là một ca điên hiền. Nhưng bệnh tình có vẻ nặng hơn khi thời tiết nóng bức. Vậy nên năm nào hai mẹ con nàng cũng nương náu ở Đà Lạt vào lúc oi bức nhất của mùa hè xứ Bắc. Cái lành lạnh se se của Đà Lạt đủ để làm dịu những tâm hồn bị thương.