- Năm mười tám tuổi, tôi rời nhà từ Brooklyn, New York tới học ngành lịch sử ở đại học Leeds thuộc miền Yorkshire của Anh. Đó là quãng thời gian nhiều thú vị song cũng thật căng thẳng.
Vì lúc đó, tôi vừa phải cố gắng để quen với những điều mới lạ ở môi trường sống còn nhiều bỡ ngỡ, lại vừa phải học cách đối mặt với sự thật hiển nhiên, đó là cái chết của bố tôi – điều mà tôi vẫn chưa thể chấp nhận được.
Một lần khi đang trong chợ kiếm vài bó hoa trang trí cho căn phòng tẻ nhạt của mình, tôi bắt gặp một ông lão đang rất khó nhọc giữ cái gậy chống và cả túi táo. Tôi bèn chạy lại, đỡ túi táo cho ông cụ, giúp ông lấy lại thăng bằng.
“Cảm ơn cháu gái, ta ổn rồi, đừng lo”. Ông lão nói bằng một thứ thổ âm vùng Yorkshire dịu dàng rất đặc biệt mà tôi không bao giờ chán nghe. Ông cười với tôi không chỉ bằng miệng mà còn bằng cả cặp mắt màu xanh lơ sáng lấp lánh.
“Cháu có thể đi cùng ông không?” tôi đề nghị. “Cháu chỉ không muốn những quả táo kia bị vỡ nát thôi mà”.
Ông cười và bảo tôi, “Cháu gái, cháu đang sống xa nhà phải không. Có phải cháu là người của các tiểu bang ở Mỹ không?”.
“Cháu chỉ ở một trong số các tiểu bang đó thôi. Cháu ở New York. Cháu sẽ kể cho ông nghe về nó khi chúng ta cùng đi”.
Và thế là lần gặp gỡ đó đã bắt đầu tình bạn giữa tôi và ông Burn, một ông lão có nụ cười và sự ấm áp rất có ý nghĩa đối với tôi.
Khi chúng tôi cùng đi, ông Burns (tôi luôn gọi ông cụ là như vậy và chẳng bao giờ gọi ông theo họ cả) tì người rất nặng nề lên chiếc gậy, một cái gậy lắm mấu chắc khoẻ khiến tôi liên tưởng tới cây quyền trượng trong kinh thánh.
Khi tới nhà ông, tôi giúp ông để các túi đồ lên bàn và một mực xin giúp chuẩn bị cho ông bữa trà – mà thực ra là giúp ông làm bữa. Tôi hiểu rằng trong cái cách từ chối yếu ớt của ông hàm chứa lòng biết ơn vì tôi đã giúp đỡ ông.
Sau khi pha trà cho ông, tôi hỏi ông có muốn tôi quay lại thăm ông nữa không. Tôi nghĩ thỉnh thoảng tôi nên ghé thăm ông để xem ông có cần thứ gì khác nữa. Nháy mắt mỉm cười ông bảo: “Ta chẳng bao giờ lại đi từ chối lời đề nghị của một cô gái tốt bụng như cháu cả”.
Ngày hôm sau tôi trở lại thăm ông cũng vào thời gian như buổi trước, thế là tôi lại có thể giúp ông chuẩn bị bữa tối. Cây gậy chống to tướng như thầm nhắc nhở tôi là ông rất đau yếu, và mặc dù không bao giờ nhờ tôi việc gì, nhưng ông cũng không phản đối mỗi khi tôi đề nghị giúp đỡ.
Buổi tối hôm đó, lần đầu tiên chúng tôi đã trò chuyện với nhau rất thân tình. Ông Burns hỏi tôi về chuyện học hành, chuyện các kế hoạch trong tương lai và hơn tất thảy là chuyện về gia đình tôi.
Tôi kể với ông là bố tôi mới mất nhưng tôi cũng không nói cho nhiều người khác biết về những trục trặc trong quan hệ giữa tôi và bố. Đáp lại những thổ lộ ấy của tôi, ông Burns chỉ về phía hai tấm ảnh lồng khung đặt ở phía cuối chiếc bạn cạnh ghế ông đang ngồi. Đó là hai bức chân dung của hai người phụ nữ khác nhau, người này lớn tuổi hơn người kia nhưng rõ ràng giữa họ có những nét hao hao giống.
“Kia là Mary,” ông nói, tay chỉ về phía bức ảnh của người phụ nữ lớn tuổi hơn. “Cô ấy đã mất được sáu năm rồi. Còn bức kia là Alice của chúng tôi. Con bé là một y tá rất tốt. Nó mất đi là một tổn thất quá lớn cho Mary của tôi”.
Nước mắt tôi trào ra đầy thương cảm dù rằng trước đó tôi đã không thể khóc được khi đối diện với những đau thương mất mát của chính mình. Tôi khóc thương cho Mary, tôi khóc cho Alice, tôi khóc cho ông Burns và tôi khóc cho người cha đã khuất mà tôi chẳng bao giờ còn có cơ hội để nói lời tạm biệt.
Cứ hai lần một tuần tôi tới thăm ông Burns, tôi luôn tới vào những ngày nhất định và thường vào một khoảng thời gian cụ thể. Mỗi khi tôi tới, ông đều ngồi trên ghế, chiếc gậy chống được gác lên tường.
Ông Burns có một chiếc ti vi đen trắng nhỏ nhưng ông lại thích đọc sách và nghe đĩa hát. Ông dường như rất vui mỗi khi gặp tôi. Một phần tôi luôn tự hài lòng vì đã giúp ích được cho người khác, nhưng điều hạnh phúc hơn cả chính là tôi đã gặp được một người tôi có thể thổ lộ tâm can với bao cảm xúc, suy tư. Tuy nhiên cho tới lúc ấy, tôi cũng chưa chịu thừa nhận điều này với chính mình.
Khi tôi chuẩn bị bữa trà cho ông, chúng tôi lại bắt đầu trò chuyện. Tôi thú nhận với ông rằng mình cảm thấy có tội rất
lớn vì đã xung đột tới mức không nói chuyện với bố hai tuần trước khi người mất. Tôi sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để xin bố tha thứ nữa và bố cũng thế.
Mặc dù ông Burns thi thoảng có đáp lời nhưng thường thì ông luôn để dành phần cho tôi nói. Tôi nhớ ông luôn là người lắng nghe. Mà cách lắng nghe của ông ấy mới tuyệt làm sao! Dường như ông không chỉ chú ý tới những gì tôi nói mà ông còn như đang “đọc” tôi, đang thâu nhận tất cả những gì tôi thổ lộ, thậm chí còn bổ sung thêm các chi tiết khác từ chính những trải nghiệm và tưởng tượng của ông để hiểu đúng hơn những chuyện tôi kể.
Sau đó quãng một tháng, tôi quyết định sẽ tới thăm người bạn của mình vào một ngày bất ngờ. Tôi không điện thoại thông báo cho ông vì tôi nghĩ kiểu cách quá trang trọng như vậy không thực sự cần thiết trong tình bạn của chúng tôi.
Lúc tới nhà ông, tôi thấy ông đang làm việc trong vườn, khom lưng và đứng dậy hoàn toàn dễ dàng, thoải mái. Tôi sững người. Đây có phải chính là ông lão luôn phải dùng cái gậy chống to tướng mỗi lần đó không?
Bất chợt ông nhìn về phía tôi. Rõ ràng ông hiểu được nỗi hoang mang khó hiểu của tôi khi chứng kiến ông đi lại thoải mái như vậy, ông vẫy vẫy tôi, vẻ như có đôi chút ngượng ngùng. Tôi không nói gì nhưng cũng theo ông vào nhà.
“Nào, cháu gái. Lần này hãy để ta pha trà cho cháu nhé. Cháu đã nhìn thấy cả rồi mà”.
“Nhưng mọi chuyện là thế nào cơ ạ?”- Tôi bắt đầu – “Cháu nghĩ là…”
“Ta biết cháu nghĩ gì, cháu gái ạ”, ông Burns ngắt lời. “Khi cháu gặp ta lần đầu ở chợ, đúng hôm đó ta lại bị trẹo mắt cá chân do vấp phải hòn đá trong khi làm vườn. Ai chẳng có những lúc lóng ngóng vụng về như vậy”.
“Nhưng… khi nào thì ông có thể… đi lại được bình thường?”
Không hiểu sao lúc này đôi mắt ông vừa ánh lên sự vui vẻ lại vừa như thoáng chút hối lỗi. “À, ta nghĩa là ngay sau hôm đầu tiên chúng ta gặp nhau”.
“Nhưng tại sao lại thế ạ?”, tôi hỏi, thực tình tôi chẳng hiểu gì hết. Rõ ràng là ông lão đã chẳng phải cố tỏ vẻ yếu ớt chỉ để nhờ tôi thi thoảng tới pha cho ông chén trà.
Ông Burns nói tiếp: “Lần thứ hai khi cháu tới thăm ta cháu gái ạ, khi đó ta nhận thấy cháu đang rất buồn. Cháu cô đơn và thực sự đau khổ về cái chết của bố cháu. Khi đó ta nghĩ có thể cháu cần một bờ vai già nua như ta để dựa dẫm về tinh thần. Nhưng ta cũng biết, cháu luôn tự nhủ là cháu tới thăm ta là vì ta chứ không phải là vì bản thân cháu. Chẳng phải cháu sẽ không quay lại nữa nếu biết ta khoẻ mạnh bình thường phải không. Ta hiểu cháu đang rất cần người nói chuyện cùng. Cháu cần một ai đó lớn tuổi và thậm chí già hơn cha cháu, một ai đó biết lắng nghe cháu”.
“Thế còn cây gậy thì sao ạ?”
“À, đó là một cây gậy có ích. Ta dùng nó mỗi khi ra vườn. Chúng ta hãy cùng nhau ra vườn luôn chứ”.
Thế là chúng tôi đi. Và ông Burns, người mà tôi tưởng mình đang giúp đỡ thời gian qua lại chính là người giúp đỡ tôi. Ông đã dành thời gian, đã chăm chú lắng nghe và dành bao yêu thương, tận tuỵ cho một người cần những điều đó biết nhường nào như tôi.