Không hiểu sao mà phần bột đã nghiến cả vào gót chân tôi và vì tôi vốn bị tiểu đường nên chứng hoại thư đã nhanh chóng phát tác. Sau nhiều ngày tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch, tôi về nhà nhưng vết thương vẫn chưa lành. Khi cái chân đau nhói như muốn vỡ tung ra tới mức không thể chịu được, tôi lên cơn sốt. Tôi hiểu, bước tiếp theo mình sẽ phải làm gì.
Sáng hôm sau, một nhóm bác sỹ phẫu thuật chuẩn bị cấp cứu cắt bỏ phần chân phải của tôi, ngay đầu gối trở xuống. Dù ban đầu phản đối nhưng giờ tôi lại muốn được sống và thoát khỏi nỗi đau đớn dày vò. Sau ca phẫu thuật, tôi dần dần chuyển từ xe lăn sang dùng nạng và bắt đầu nhảy lò cò được quanh nhà với cái chân lành còn lại. Nhưng rồi một vết phồng rộp bắt đầu xuất hiện trên cái chân đó. Sáu tháng sau, tôi trở thành một người mất cả hai chân.
Tôi đã từng vô cùng đau khổ sau lần phẫu thuật cắt bỏ chân thứ nhất, nhưng quả thực, không gì có thể sánh được với nỗi tức giận và cuồng nộ của tôi ở lần phẫu thuật thứ hai này.
Rốt cuộc, tôi cũng đã được lắp hai chiếc chân giả và mất một thời gian ở trung tâm hồi phục chức năng để tập đi. Năm 1995, tôi trở về với cuộc sống bình thường, có một công việc ổn định, lấy vợ và có gia đình riêng.
Nhưng rồi lại xuất hiện những cơn đau ở vùng ngực. Những cơn đau với tôi vốn là chuyện bình thường. 31 tuổi tôi đã phẫu thuật tim đến lần thứ 5. Vài năm sau đó, người ta đã đặt stents (một dụng cụ khi đưa vào mạch máu bị nghẽn sẽ nở phồng ra và phá vỡ các nơi bị nghẽn do các cục máu đông và làm cho máu lưu thông bình thường đến tim) vào trong các động mạch của tôi. Nhưng khi cơn đau ngày càng tăng tới mức không chịu nổi, tôi buộc phải nhập viện. Sau cùng, bác sỹ đề nghị tôi thay tim, dù rằng tiền sử bệnh tật của tôi cho thấy việc này rất nguy hiểm. Đã từng là một tay cờ bạc tung hoành một thời, tôi chẳng thích thú gì cái tỉ lệ thành công mà họ nói với tôi, nhưng tôi hiểu, mình chẳng còn lựa chọn nào khác.
Thay tim không hề đơn giản. Bên cạnh đó, tôi lại là một bệnh nhân tiểu đường và bị mất cả hai chân. Các bác sỹ phẫu thuật thậm chí còn không muốn xét tới trường hợp của tôi. Mà ngay cả khi được chấp nhận thì tôi cũng phải chờ một danh sách dài dằng dặc có thể kéo dài nhiều năm, nhiều tháng. Và cứ cho là tôi may mắn nhận được một quả tim hiến tặng thì cũng có ai dám chắc, ca phẫu thuật sẽ thành công? Chẳng thiên tài nào biết được quả tim mới toanh này sẽ bắt đầu hoạt động ra sao…
Rồi cuối cùng tôi cũng được thay tim. Tôi đến bệnh viện với niềm hy vọng và cả nỗi lo lắng chờ đợi một quả tim mới. Giống như phải cùng lúc sống chung với Sự Sống và Cái Chết vậy, lúc thì tôi nghĩ tới việc hồi phục, rồi ngay sau đó là sự thật phũ phàng – có thể tôi sẽ chết. Tôi tập hợp gia đình mình lại. Khi họ chuẩn bị đưa tôi đi phẫu thuật, tôi thấy lòng hoàn toàn thanh thản.
Chợt bác sỹ bước vào và bảo với chúng tôi ông ấy có chuyện cần nói. Rất ngập ngừng, vị bác sĩ bảo: “Có một cậu bé mười bảy tuổi đang rất nguy kịch, nếu không được thay tim ngay, có lẽ cậu ấy khó qua khỏi đêm nay”.
Ông bối rối: “Tôi không biết có nên hỏi ông không, nhưng ông có thể nhường cho cậu bé thay tim trước được không?” Người bác sỹ nhấn mạnh với tôi rằng quả tim đó là dành thay cho tôi và việc hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của tôi. Tôi có thể giữ lại nó vì không ai biết bao giờ mới lại có một quả tim khác và liệu rằng chính tôi sẽ sống bao lâu nữa nếu không được thay tim.
Ngay từ lúc biết biết tin có một quả tim đã được hiến tặng, tôi đi từ cảm giác hoài nghi đến phấn khởi, từ lo lắng đến chấp nhận. Và giờ đây, tôi không rõ mình đang cảm thấy thế nào. Làm thế nào tôi có thể lựa chọn ai sống, ai chết?
Điều khó khăn nhất với tôi là tôi hiểu, gia đình mình sẽ tiếp tục phải chịu đựng đau khổ nếu tôi không được thay tim. Tôi không muốn vợ mình trở thành người đàn bà goá. Tôi muốn được sống và nhìn thấy con cái trưởng thành. Nhưng điều dễ thấy hơn là tôi hiểu ai mới là người cần trái tim đó nhất lúc này.
Đó quả thực là quyết định khó khăn nhất và cũng đơn giản nhất mà tôi từng có.
Thế rồi cậu bé nọ đã vượt qua cửa tử sau ca phẫu phuật, còn một tuần sau đó, tôi nhận được một quả tim hiến tặng khác, một quả tim thậm chí còn phù hợp với cơ địa của tôi hơn cả quả tim lần trước. Nhiều tháng sau, một trong các bác sỹ đã bảo tôi rằng, ông biết, chưa từng có ai trong lịch sử y học chấp nhận nhường lượt thay tim cho người khác.
Nhưng đó là chuyện của bảy năm trước. Còn giờ đây, việc đi lại của tôi dù nhọc nhằn hơn, tôi vẫn thích đi thăm thú các nơi và gặp gỡ mọi người. Bất kể thời tiết thế nào, đi tới đâu tôi cũng mặc quần short. Tôi muốn mọi người nhìn thấy đôi chân giả của mình và hỏi chuyện, để tôi có thể kể cho họ nghe những điều kỳ diệu từng diễn ra với tôi.
Bên cạnh “đôi chân” mới, tôi là người có hai trái tim. Một trái tim thực sự ghép trong lồng ngực, và một trái tim tinh thần khác đặt nơi tâm hồn. Trái tim ấy luôn tràn ngập tình yêu thương.