Những năm tóc còn để trái đào, sân là nơi tôi và nhóm bạn cùng lứa chơi ô làng, nhảy dây…những trò chơi dân gian, thân thiện mà giờ đây trẻ con ở quê không còn chơi nữa, còn ở thành phố thì hình như chẳng ai biết mà chơi. Tiếc thật!
Lớn lên, khi tôi biết cầm cuốc, cầm cào để phụ giúp ba mẹ thì cái sân gắn liền với những trưa nắng gắt ra sân phơi lúa, phơi đậu. Tôi thường đội nón của bà nội, cầm cái cào đi cào lúa để lúa được nắng mà khô cho đều. Nhớ nhất cũng là những cơn mưa dông vội vã ập xuống, cả nhà ra sân hốt lúa, hạt ướt hạt khô lẫn lộn với mồ hôi.
Trước sân là hai hàng cau của nội, những cây cau được trồng từ rất lâu. Cái thời ba tôi còn tắm mưa thì nội đã trồng cau và bảo: “Trồng cau để mai này cưới vợ cho con”! Thế mà đến hôm nay nó vẫn còn hiển hiện. Bao nhiêu mùa cau trôi qua, cái thúng của nội vẫn đựng những trái cau tròn trịa để đi chợ Chùa đổi thức ăn. Cau trong vườn, trầu trước ngõ nên ông bà nội hôm nào cũng bỏm bẻm, đôi môi đỏ thắm, đôi má hồng hây hây trông rất đẹp lão.
Ngày anh hai tôi đi cưới vợ, nội bảo tôi phải trèo lên cây cau cao nhất để hái buồng cau đẹp nhất. Nội bảo: “Cháu đích tôn của nội phải hỏi vợ bằng buồng cau đẹp nhất làng!”.
Năm tôi hai lăm tuổi, bà nội cứ giục: “Cau buồng nào cũng đẹp, cháu coi có cô nào vừa ý, nội đi hỏi cho?”. Tôi thường lém lỉnh trả lời: “Có rất nhiều cô nhưng tìm mãi chẳng có buồng cau nào vừa ý nên cháu muốn trồng một vài cây để đến lúc nào có trái mới lấy vợ!”.
Thế rồi một năm sau, vào chiều mưa rơi rả rích, con sông Hãn nước về cuồn cuộn, bày chim sẻ trước nhà ướt sũng, bay mất. Bà nội tôi trở thành người thiên cổ.
Chưa đầy một năm sau, ông cũng đi theo bà. Căn nhà xưa quạnh vắng.
Nhiều năm sau, hai hàng cau vẫn xanh mướt, trái xum xuê. Cuối tuần tôi vẫn trở về làng rồi gọi đò ngang qua sông. Xa xa vẫn thấy hai hàng cau với nhiều đàn chim bay tới. Nghe hàng xóm xì xào cau nhiều trái thế mà chẳng ai hái bán. Lòng thương nhớ nội như cơn mưa đột ngột đến làm ướt vùng ký ức ngày nào.