Tôi sinh ra ở một làng quê miền núi xã Bình Sơn, Huyện Lục Nam , Tỉnh Bắc Giang. Tôi chưa từng hỏi mẹ về người cha của mình, chỉ biết khi sinh ra tôi có mỗi mẹ.
Đôi chân bị teo đi từ nhỏ khiến tôi phải tập di chuyển bằng hai hai tay chống trên hai chiếc ghế nhỏ. Chỉ đến khi mười tuổi tôi mới hiểu hết những nỗi đau và nhọc nhằn của mẹ – người phụ nữ bất hạnh những mong có một đứa con bầu bạn và là chỗ dựa cho mẹ lúc về già.
Tôi biết mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ cùng trang lứa nô đùa là mẹ tôi lại một lần lau nước mắt khi nghĩ tới tương lai của tôi và cuộc đời mình. Hai mẹ con nương tựa vào nhau bằng bữa rau, bữa cháo…
Có lẽ cuộc sống cứ trôi qua như thế nếu như mẹ cam chịu và quên đi việc gieo vào lòng tôi những khát vọng đẹp đẽ. Mẹ cứ tần tảo đi cấy lúa thuê và kiếm tiền trang trải cuộc sống và bù đắp cho những thiệt thòi của tôi. Bằng vốn kiến thức ít ỏi của một người phụ nữ miền núi, mẹ đã dạy tôi những chữ cái đầu đời và làm phép tính với những con số đơn giản. Từ những quyển vở, cây bút chì mẹ mua tôi đã dần biết đọc, biết viết. Những nỗ lực đó có cả khát khao muốn được học hành của tôi và những đêm miệt mài uốn nắn nét chữ cho con sau một ngày vất vả của mẹ.
Một ngày mẹ trở về nhà và trao cho tôi món quà lớn nhất trong cuộc đời mình đó là quyết định cho tôi vào học với các bạn cùng trang lứa. Tôi biết mẹ đã thuyết phục được thầy hiệu trưởng và các giáo viên nhà trường bằng tất cả tình yêu của một người mẹ.
Ngày qua ngày tôi được mẹ cõng đến ngôi trường làng, cả ngày mưa lẫn ngày nắng, rồi lại trở về đi làm cho tới khi đến giờ đón tôi.
Tôi thương mẹ khi những trang trải cho việc nhà và việc học hành của tôi cứ ngày một lớn. Những lần xúc động tựa vào vai áo thấm đẫm mồ hôi của mẹ đã khiến một cô bé như tôi quên hết những mặc cảm của mình để học hành cho thật tốt. Những tấm bằng khen học sinh giỏi của tôi là nguồn động viên duy nhất của mẹ.
Cứ thế, tôi lớn dần với những nấc thang kiến thức mà tôi không ngừng khám phá. Kèm theo những vinh quang trong việc học hành phấn đấu của tôi là những mồ hôi và nước mắt của mẹ. Tôi biết xưa mẹ Mạnh tử đã nuôi con công phu như thế nào để Mạnh Tử từ con côi trở thành Á Thánh. Nếu được so sánh, tôi thấy mẹ mình còn hơn cả mẹ của Mạnh Tử khi đã hi sinh tất cả cho tương lai và hạnh phúc của tôi.
Càng lớn lên, tôi càng
hiểu rằng: Giấc mơ sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu không có sự nỗ lực vươn lên. Hoàn thành trung học, tôi bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học cách đánh máy tại Trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật. Tiếp xúc với các bạn cùng hoàn cảnh, tôi biết mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều bạn vì còn có mẹ. Hai năm học giúp tôi không chỉ soạn thảo văn bản dễ dàng mà còn khám phá những chân trời tri thức thông qua mạng Internet. Tôi kiếm được tiền bằng đánh máy thuê và di chuyển làm những công việc thông thường. Ngôi trường làng ngày ấy một lần nữa lại mở rộng cửa chào đón tôi về như một nhân viên bình thường khác. Thật hạnh phúc khi được quê hương, làng xóm luôn chở che và bên mẹ con tôi những ngày tháng khó khăn nhất.
Nhiều năm trôi qua, tôi viết những dòng này khi đã trưởng thành, khi chính tôi cũng được làm mẹ và ở bên một người chồng giản dị, thật sự yêu thương mình. Chúng tôi được chăm sóc mẹ. Mẹ ơi! Mẹ thực sự là người dệt nên những ước mơ cổ tích của con: Giấc mơ đi học, giấc mơ được làm việc và cả giấc mơ con gái.
Được dạy dỗ, trưởng thành từ những chữ cái đầu tiên mẹ dạy và những ngày tháng nhọc nhằn của mẹ là bài học lớn về nghị lực vươn lên mà tôi mang theo suốt cuộc đời mình.
Ai đó đã ví: “Một người mẹ mất đi giống như một thư viện bị cháy”, và mẹ tôi là người đặt nền móng đầu tiên cho việc học hành của tôi, để tôi vẽ tiếp những bản kiến trúc đẹp đẽ của đời mình.