Sau một lúc im lặng Hoan nói: “Em sắp lấy chồng…”. Trước mắt tôi, bầu trời sáng vàng võ của ánh trăng thượng tuần chợt như biến thành màu đen. Gió thổi qua tai nghe ù ù như có bom nổ từ đầu xóm…Tôi lạnh lùng im lặng như một bức tượng bên cạnh cô gái mà người làng Dương luôn trầm trồ khen ngợi “đẹp nhất vùng”.
Tôi và Hoan yêu nhau từ cái thời đi học đến nay cũng hơn 2 năm rồi. Trong 2 năm ấy giá tôi mạnh dạn bảo mẹ đưa cau trầu sang hỏi thì có khi tôi đã cưới và có con với nàng. Nhưng rồi ngày tháng lần lữa, tôi còn bận học nghề, cứ dặn lòng học xong về làng mở quán, ổn định cuộc sống rồi cưới vợ.
Tôi và Hoan thường đi lại với nhau, thân nhau từ bé, đến lúc yêu nhau lúc nào không hay. Bà Ký, mẹ của Hoan, thường hay khuyên tôi gắng học xong cái nghề rồi tính, còn Hoan thì còn đó, ai bắt đâu mà sợ. Mẹ tôi và bà Ký thường lui tới thăm nhau như kiểu đã thông gia từ lâu. Bữa nào mẹ tôi hái được mớ rau hay cuốc được rổ khoai đều sai tôi mang qua nhà nàng, của ít lòng nhiều. Những lúc như thế, bà Ký cứ ghẹo tôi: “Có đứa con rể quý hóa quá, gắng lên con…” tôi nghe mà sướng rơn cả người. Còn Hoan thường mang qua nhà khi thì quả cam, khi thì quả xoài sau mỗi bữa cơm cho mẹ tôi. Hoan thường giành rửa bát và dọn dẹp nhà cửa với các em tôi mỗi khi qua nhà. Mẹ tôi vui lắm, cứ cười mãi.
Ở quê Hoan là đứa con gái xinh và ngoan nhất làng, mấy thằng con trai xóm dưới nghe tôi được lòng Hoan và gia đình Hoan thì chúng ghen dữ lắm. Có đứa “ăn không được đạp đổ” lẻo mép bảo: “Hai đứa này quấn nhau như hình với bóng, không khéo cuối năm nay cái bụng của con Hoan phải kiếm chiếc nón mà che!”. Tôi mặc kệ. Ông bà có câu “trâu cột ghét trâu ăn”. Bọn chúng sẽ tức điên nếu tôi cứ điềm nhiên bên người đẹp như không quan tâm đến lời cay độc của chúng. Xét về ngoại hình thì ở làng Dương có khối thằng vạm vỡ hơn tôi, đẹp trai hơn tôi chỉ có cái nếu so về thật thà, tôi là nhứt. Mẹ tôi thường bảo tôi là củ khoai lang. Hoan bảo tôi hiền như bức tượng nên cứ đùa: “Anh nên đi vào chùa ở, nơi đó có nhiều tượng”.
Đến cái hôm nghe Hoan nói sẽ đi lấy chồng, tôi đã trở thành một bức tượng thật sự đứng bên nàng. Nàng cầm tay tôi áp lên má, lúc đó tôi run lắm. Không phải do gió từ bờ sông thổi vào mà cái lạnh từ bên trong lạnh ra làm tôi run rẩy. Nàng kéo tôi lại gần hơn và ôm tôi. Lần đầu tiên trong đời một người khác giới ôm tôi tha thiết như vậy.
“Anh, yêu em đi”. Hoan thì thầm vào tai tôi.
Tôi từ lạnh chuyển qua nóng ran cả người. Trăng thượng tuần sáng, giọt nước mắt của Hoan trên má chảy xuống nghe nóng hổi…
Hoan lên xe hoa với một gã tôi chưa hề biết mặt ở tận một thành phố xa xôi trong Nam và giàu có lắm. Nghe đâu cuộc cưới xin này là sự sắp xếp theo kiểu “đổi chác”. Ngày Hoan cưới, tôi viện cớ bận việc lên thị xã. Từ đó làng Dương người ta không còn nhìn thấy bóng Hoan, cả bóng tôi cũng thế.
Tôi lấy vợ, đưa vợ con vào Nam …
Chiều, thành phố giờ tan tầm như ong vỡ tổ. Tôi từ cơ quan ghé vào một sạp báo bên đường kiếm tờ tạp chí cho vợ. Chợt nhận ra cô bán báo chính là Hoan, gầy gò và già đi rất nhiều so với 5 năm trước. Bên cạnh Hoan là cậu bé chừng 5 tuổi. Nàng khóc. Thằng bé thấy mẹ nó khóc cũng khóc ré lên, ôm chầm lấy mẹ.
Trong nước mắt, Hoan bảo: “Con của anh đấy!” Tôi run người. Rồi Hoan kể về những ngày tháng bất hạnh. Lấy chồng vào thành phố, chưa đầy 2 năm bị chồng đánh đập liên miên bởi đứa con sinh ra không giống bố.
Hoan bảo cái đêm ở bến sông cạnh làng Dương, cô đã chấp nhận hiến dâng cho tôi để đền nợ tình bấy lâu tôi yêu Hoan. Bị chồng đánh đập rồi ly hôn, nàng không còn mặt mũi để về làng đành trụ lại thành phố bán báo nuôi con. Biết tôi có vợ nên không liên lạc nữa mà ở vậy. Tôi ôm lấy thằng bé, ghi vội địa chỉ của Hoan trong tiếng điện thoại reo của vợ: “Anh, chiều nay đón con, em bận”.
Tôi hòa vào dòng người thành phố, chạy xe như người mất hồn. Sống ở phố hơn 2 năm, hôm đó tôi đã đi lạc đường.
Yên Mã Sơn