Ánh nắng cuối chiều không còn gay gắt, nhưng dường như những oi ả của một ngày hè chói chang vẫn chưa hề nguôi trên những gương mặt hối hả ướt đẫm mồ hôi đang tấp nập chen chúc nhau trên con phố nhỏ bé chật cứng những mảng màu sặc sỡ.
Sau những cố gắng kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng, tôi cũng có thể đặt chân lên những bậc thang xe gần như ngay lúc cửa xe khép lại sau lưng vừa đúng một tích tắc. Một ngày học thêm mệt mỏi kết thúc đúng vào lúc mặt trời toả ánh hồng cam.
Càng về những bến sau, người xuống xe càng nhiều. Hành khách của điểm đỗ cuối cùng như tôi được nới lỏng tay bám ra đôi chút và có phần nhẹ nhõm, thoải mái lạ kì. Bỗng dưng, chiếc xe buýt của tôi dừng lại lâu hơn thường lệ ở bến nhà ga, và rồi anh phụ xe bước xuống để đón hai vị khách đặc biệt. Đó là một người đàn ông đã vào khoảng ngũ tuần cùng một cậu bé "ngồi" gọn trong chiếc xe lăn. Tất cả mọi người trên xe dường như đều lặng im trông về phía chiếc ghế gần cửa sau, nơi một vạt nắng nhẹ hắt xuống một bên vai của người đàn ông.
"Hai ông cháu vừa đi khám bệnh ở viện Nhi", người đàn ông bộc bạch sau câu hỏi của anh phụ xe. Người lính cụ Hồ năm xưa giờ đây đã trở về cuộc sống thường nhật, với chiếc áo sơ mi trắng đã hoen màu và chiếc quần xanh màu rêu của những tháng năm xưa. Khuôn mặt ông đem sạm, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng, cùng một vết sẹo vẫn còn nằm lại phía đuôi mắt đồi mồi chân chim. Đứa cháu ngoại của ông trên chiếc xe lăn, cái mũ đen cũ kĩ che khuất một phần trán dô kì lạ.
Cậu bé có đôi mắt to và đen láy nổi bật trên khuôn mặt gầy guộc xanh xao chỉ còn da bọc xương. Đôi chân teo nhũn dường như vô cảm buông xuống hai thanh đỡ của xe lăn, hai cánh tay nhỏ nhắn thỉnh thoảng vịn vào thành xe để đẩy người về phía trước. Nhưng dù cho hai cánh tay khẳng khiu có cố gắng thế nào đi nữa, cậu bé vẫn không thể ngôi thẳng ngay như một người bình thường bởi lẽ toàn thân người cậu như soài ra lưng ghế, và dường như chỉ còn có chiếc cổ nhỏ bé có thể nghiêng đi nghiêng lại như một chú rô bốt, để được nhìn thấy mọi người xung quanh một cách khó khăn và e dè.
Một nét buồn thoáng day dứt những nếp gấp thời gian trên vòm trán của ông ngoại khi ông kể đến đoạn thằng cháu tội nghiệp bị di chứng chất độc màu da cam, thứ hoá chất huỷ diệt vẫn đang từng ngày chảy trong huyết quản của ông từ ngày còn chinh chiến ở mặt trận.
"Chất độc màu cam đã cướp đi tương lai của nó, ngay từ khi nó mới chỉ có hai tháng tuổi. Mẹ thằng bé mất khi nó vừa chào đời, còn cha nó, khi biết nó là một hài nhi dị dạng, đã bỏ đi không một lời từ biệt. Đời nó khổ, không cha, không mẹ, sống nghèo đói cùng người ông già cỗi, bệnh tật này. Thằng bé mới chỉ mười sáu tuổi…".
Mười sáu tuổi ư? Tôi không thể tin vào mắt mình. Cái hình hài nhỏ bé khô héo kia cũng bằng tuổi tôi ư? Tôi bỗng thấy mọi vật xung quanh nhạt nhòa đi và dường như ông ngoại của cậu bé và mọi người trên xe cũng vậy.
Rồi những hành khách cuối cùng trên xe không ng
ần ngại gửi ông những món quà bé nhỏ, có khi là những đồng hào ít ỏi, thậm chí là những gói bánh, những chùm nhãn dở dang như để sẻ chia một phần tinh thần với những mất mát đau đớn đã dày vò ông và thằng cháu đáng thương suốt mười sáu năm qua…
Đôi mắt ông đỏ hoe, bàn tay run run và đôi môi mấp máy nghẹn ngào. Ông cầm tay đứa cháu ngoại, lúc này, nó đã cố để vươn cái đầu nhô ra và gắng gật gật như muốn nói: "Cảm ơn, cảm ơn mọi người…".
"Bạn ơi, vậy ra bạn đã có thể là một người bạn cũng khoác cặp sách đến trường như tôi. Nhưng tôi thì lại chẳng có món quà gì để tặng bạn cả. Bạn biết không, tôi đã nghĩ, nếu tôi là bạn, tôi sẽ ước mơ điều gì? Vì tôi biết, bạn hi vọng nhiều lắm, dù cho bạn không thể kể cho tôi nghe, và dù cho những ước mơ đó thật khó để trở thành hiện thực. Nhưng bạn ạ, tôi muốn được một lần chia sẻ những cảm xúc, suy tư với bạn, người bạn cùng tuổi yêu quí của tôi.
Nếu tôi là bạn, tôi sẽ ước mơ một ngày nào đó, tôi khỏi bệnh để chăm sóc cho ông ngoại. Mười sáu năm qua, đôi mắt của ông soi sáng đường đưa cháu đi và đã khóc nhiều vì thương cháu, đôi chân ông bước cho cả những bước chân của cháu, và bàn tay ông âu yếm ru cháu ngủ để cháu còn cảm thấy ấm áp và được thương yêu.
Ông ơi, cháu yêu ông lắm, và sẽ không có ai mang ông đi được đâu, vì cháu sẽ ôm ông thật chặt, thật chặt trong vòng tay nhỏ bé của mình. Ông là người mang cho cháu hi vọng để sống tiếp những ngày sau vui tươi, hạnh phúc. May mắn lớn nhất của cháu là được ở bên ông, ông ngoại thương mến!
Nếu tôi là bạn, tôi sẽ mơ một ngày được gặp cha và mẹ. Con biết cha sẽ không yêu con đâu, vì con xấu xí lắm. Nhưng con sẽ không bao giờ trách cha cả, vì cha là người cha đáng kính của con. Con yêu cha và luôn mong cho cha được hạnh phúc, vì con đã không thể mang lại một niềm vui trọn vẹn cho cha.
Còn mẹ, người con luôn thầm biết ơn mỗi ngày qua. Mẹ đã bảo vệ con trong mình từ khi con còn là một hạt đậu bé bỏng, và rồi vì con mà mẹ đã ra đi. Con được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, con được nhớ mẹ, yêu cha, đó là món quà tuyệt vời nhất của con trong cuộc đời này. Con sẽ vẫn sống thật tốt cha mẹ ạ, vì con yêu cha mẹ, và vì con tin sẽ có ngày con được gặp cha mẹ.
Nếu tôi ngồi trên xe lăn, tôi sẽ mong lắm bàn tay của một người bạn. Người bạn của tôi sẽ giảng lại cho tôi những bài học ở trên lớp, để tôi vẫn sẽ cảm nhận những hồn nhiên khi được làm học trò trong lớp học tí hon của tôi và bạn.
Người bạn đó sẽ cùng tôi di chiêm ngưỡng thành phố thân thương nơi tôi sinh ra, để tôi thấy cuộc sống quanh tôi tươi đẹp và an lành biết bao. Đó sẽ là người luôn thấu hiểu những suy nghĩ của tôi, dù cho chưa một lần tôi có thể chia sẻ với bạn bằng lời. Có bạn ở bên, tôi sẽ vui khi biết mình vẫn là một cậu bé 16 tuổi, tôi sẽ vẫn yêu đời khi sống trong tình bạn thân thương".
Khi chiếc xe dừng lại ở bến cuối, tôi đã không đủ dũng cảm để chạy đến bên cậu bé ấy và nói cho bạn nghe những điều mà tôi suy nghĩ. Tôi bỗng chợt nhận ra rằng, tôi thậm chí còn chưa biết tên của bạn.
Cho phép tôi được gọi bạn là Cậu bé mùa hè. Vì tôi muốn, bạn của tôi sẽ sống nghị lực, bạn của tôi sẽ sống vui tươi và hết mình như những rực rỡ tràn đầy sức sống của mùa hè vậy. Bạn biết không, từ ngày hôm nay, nhật kí của tôi sẽ có thêm thật nhiều hi vọng. Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn và ông ngoại từng ngày để hai ông cháu sẽ luôn sồng bình an.
Và một ngày nào đó, khi tôi gặp lại bạn, tôi sẽ không ngần ngại nói với bạn rằng: "Này cậu bé, chúng ta làm bạn với nhau được không?".