- 1. Bắt đầu vào lớp 1, con chưa biết viết chữ O cho thật tròn. Ngồi đâu con cũng tập khoanh chữ O. Tập viết chữ O trên đất, con không biết di chuyển đầu ngón tay mà cứ chạy theo vòng tròn chữ. Con lo lắm và đâm sợ cả đi học.
Cứ sáng sớm, lúc mẹ dậy nấu cơm thì con cũng lục tục dậy tập viết chữ O vào thếp giấy trắng mẹ mua. Thấy con lụi cụi, mẹ cười hiền bảo: “Con gắng tập viết cho giỏi nhé. Khi nào con viết được chữ O rồi thì không phải đến lớp nữa”.
Dĩ nhiên đó là lời mẹ “dụ” con thôi. Vì khi con viết được chữ O liền nét rồi và viết được nhiều chữ khác nữa thì con rất thích đến lớp học, được gặp cô, gặp bạn. Nhưng quả là lời nói khi trước của mẹ thật hiệu quả. Hồi ầy con cứ tự nhủ: “Thôi, chịu khó viết được chữ O rồi khỏi phải đến lớp nữa”. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn thấy buồn cười vì mình sao ngố quá. Chỉ biết viết chữ O thôi thì làm được việc gì.
2. Hồi con học tiểu học, cuối tuần mẹ thường cho về thăm ông bà. Mùa đông, con ngồi sau mẹ, mặc áo ấm to xù, quàng khăn đội mũ bịt kín, thế mà vẫn lạnh. Dọc đường con thấy bao cô bác xắn quần lội bùn đi bón phân cho lúa. Con níu áo mẹ thắc mắc “tại sao những bác kia lại phải dầm nước lạnh thế”. Mẹ mới trả lời: “Vì các bác ấy không chịu học nên phải đi làm vất vả thế đấy”.
Thế là từ đó trong suy nghĩ của con, học đồng nghĩa với việc sau này sẽ “không phải lội bùn”. Con không dám lười học nữa.
Mà mẹ “dọa” thế thôi, nhưng mẹ rất coi trọng công sức lao động của các bác nông dân. Mẹ căn dặn con phải biết quý lúa gạo vì đó là công sức khó nhọc của các bác ấy. Mẹ nhắc con ăn cơm chú ý không để rơi vãi, không được bỏ mứa. Khi nấu cơm không được đong quá nhiều gạo rồi lại rơi vào cảnh “cơm thừa, gạo thiếu”.
3. Khi con lên trung học, mẹ hay đọc báo về gia đình và lấy ví dụ từ những bài báo trong đó để răn con. Mẹ ít khi nói thẳng ý của mình, nhưng mẹ có cách diễn đạt để con hiểu. Và nhờ đó con biết được những nguy cơ của việc yêu sớm, con biết được việc nạo phá thai ở tuổi mới lớn sẽ mang lại những hậu quả kinh khủng như thế nào. Thậm chí, mẹ còn lấy “gương” người thật việc thật để cho con sáng tỏ.
Rồi mẹ dạy con biết ý tứ trong cách ăn nói hay vui đùa với các anh em họ cùng độ tuổi. Mẹ bảo: “Con gái lớn rồi, dù có là người thân trong nhà, nhưng là người khác giới, vì thế con không nên vô tư nô đùa “ôm vai bá cổ” như khi còn bé nữa”. Con trở nên “khép nép” hơn, trầm lắng hơn, nhưng con thấy mẹ thật là có lý.
4. Lên đại học, con phải sống xa mẹ, ít được nghe mẹ dạy những bài học thường nhật như ngày xưa. Những dịp hiếm hoi khi con về thăm mẹ lúc nghỉ hè hay lễ Tết, mẹ đều “tranh thủ” dò xét chuyện tình cảm của con.
Mẹ bảo: “Con học đại học rồi, yêu đương là tuỳ ở con, miễn không để tình yêu ảnh hưởng đến học tập”.
Có một điều mẹ hay nhắc đi nhắc lại là “con trai ít ai tự nhiên chăm sóc, quan tâm mình nếu không có tình ý. Vì vậy nếu con không yêu mến người ta thì đừng vô tư nhận sự đưa đón của người ta, cũng không được nhận các món quà đắt tiền”.
Nhà mình không giàu có, dư dả gì nhưng mẹ không bao giờ để con phải thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Mẹ vẫn cho con thêm tiền để mua sách báo như hồi ở nhà.
Mẹ ơi, mẹ có biết không, mẹ chính là cô giáo ở nhà của con đấy. Giờ con đã lớn, xa nhà, không được bên cạnh mẹ nữa, nhưng những bài học giản dị của mẹ không hề cũ. Chúng vẫn theo con suốt những chặng đường qua…